Cập nhật nội dung chi tiết về Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Di Sản Tại Việt Nam Và Một Số Thách Thức Đối Với Chương Trình Đào Tạo Thuyết Minh Viên – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch (Itdr) mới nhất trên website Tuvanduhocsing.com. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu ngoài mong đợi của bạn, chúng tôi sẽ làm việc thường xuyên để cập nhật nội dung mới nhằm giúp bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
Với ngành du lịch đang được chú trọng và tập trung đẩy mạnh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đặc biệt trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch.Tiềm năng của các di sản văn hóa đã và đang phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Chính phủ Việt Nam cũng định hướng khai thác các di sản văn hoá phục vụ phát triển du lịch.Di sản văn hóa và du lịch di sản văn hóa được đề cập đến trong nhiều văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong: Luật Du lịch; Luật Di sản văn hóa;Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu tổng quát: “…phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…”, văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu trong phát triển du lịch; sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là yếu tố cuốn hút và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Chiến lượccũng đưa ra các mục tiêu phát triển du lịch phải hướng tới góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam; lấy du lịch là động lực, tạo nguồn lực để đẩy mạnh bảo tồn văn hóa; nguồn thu từ du lịch hướng tới đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn, đồng thời tăng cường kiểm soát những tác động từ hoạt động du lịch lên các thiết chế văn hóa. Mục tiêu phát triển du lịch văn hóa cũng được nêu ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016. Trong đó nêu rõ:Đưa du lịch văn hóa trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2020, ngành du lịch văn hóa chiếm từ 10-25% trong tổng số 18-19 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm từ 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Vì vậy, du lịch văn hoá cũng được xác định là 1 trong 4 sản phẩm du lịch chính của Việt Namtại Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch. Năm 2016, Việt Nam đã đón 10triệu lượt khách du lịch quốc tế và 62 triệu lượt khách du lịch nội địatrong đó, khách du lịch đều lựa chọn tham gia hoạt động tham quan và tìm hiểu cácdi tích văn hoá-lịch sử và tham dự các lễ hội văn hoá, theo Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, hoạt động thăm quan di sản tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ 2 chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển.Có thể thấy, vai trò của các di sản văn hóa đã và đang phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam. Doanh thu du lịch thông qua bán vé các loại hình dịch vụ tại các điểm du lịch có Di sản văn hóa thế giới ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương. Những điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Namvà là điểm-phải-đến của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, như Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam).Sản phẩm du lịch di sản văn hoá tại Việt Nam khá đa dạng và hấp dẫn như hoạt động tham quan di sản, nghiên cứu văn hoá lịch sử thông qua di sản, tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá truyền thống… Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch di sản văn hoá còn là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, kết nối và đa dạng hoá các tour, tuyến du lịch. Việc đi du lịch hiện nay không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quan, mà du khách còn có nhu cầu tìm hiểu khám phá những nét độc đáo của truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của các điểm đến. Chính vì vậy, bên cạnh những hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành, đội ngũ những người làm công tác thuyết minh tại điểm là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp du khách nói chung, nhất là đối với du khách quốc tế khi đến với Việt Nam hiểu biết sâu về những giá trị văn hóa lịch sử của mỗi một địa danh, mỗi di tích. Thuyết minh viên di sản là những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn giới thiệu tuyên truyền – giáo dục tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, các khu bảo tồn thiên nhiên, các bảo tàng…, có kiến thức chuyên sâu về khu du lịch, điểm du lịch được giao quản lý. Số lượng di sản văn hóa rất lớn của Việt Nam đồng nghĩa với việc có hàng chục ngàn thuyết minh viên đã và đang hoạt động tại các điểm du lịch, các bảo tàng, khu di tích. Đội ngũ này đang âm thầm đóng góp công sức, trí tuệ của mình nhằm mục đích phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè quốc tế về những nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Chính vì thế công tác đào tạo thuyết minh viên di sản là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài.Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đó là “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch văn hóa theo tiêu chuẩn nghề ASEAN”. Thời gian qua Tổng cục Du lịch Việt Nam đã triển khai thực hiện khá nhiều giảipháp nhằm từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và UNESCO về kỹ thuật, kinh phí để xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho các hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Tổng cục Du lịch cũng đã tập trung nghiên cứu, xây dựng được một bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) cho 13 nghề, trong đó có nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và thuyết minh viên du lịch. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng và công bố các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, trong đó có nghề thuyết minh viên du lịch. Một số tổ chức quốc tế cũng đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chương trình và đào tạo thuyết minh viên di sản. Điển hình là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xây dựng Khóa đào tạo giảng viên nguồn chương trình hướng dẫn viên du lịch tại các khu Di sản thế giới, đã được tổ chức tại các địa điểm có nhiều di sản văn hóa nổi bật của Việt Nam là Hà Nội, Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng,… Thực trạng hiện nay là trình độ của đội ngũ thuyết minh viên ở các điểm du lịch không đồng đều, thậm chí còn chênh lệch nhau khá xa giữa các vùng miền, các địa phương. Trình độ của đội ngũ thuyết minh viên hiện nay cũng khá da dạng phong phú, có thuyết minh viên có trình độ đại học, trên đại học được đào tạo cơ bản (đội ngũ này phần lớn làm việc tại các di tích và bảo tàng lớn…). Tuy vậy, cũng có thuyết minh viên có trình độ văn hóa thấp chưa qua các lớp đào tạo, họ làm thuyết minh từ vốn hiểu biết, tự học hỏi từ công việc chuyên môn hằng ngày, hoặc qua truyền miệng… (đội ngũ này phần lớn ở các địa phương hoặc vùng sâu, vùng xa). Đội ngũ thuyết minh viên hiện có cũng đang được đào tạo ở nhiều chuyên ngành đa dạng khác nhau: lịch sử, văn hóa, Việt Nam học, du lịch…Điều này dẫn đến việc thuyết minh viên tại nhiều địa phương thiếu nền tảng kiến thức văn hóa, yếu về kiến thức lịch sử. Một hạn chế khác của các thuyết minh viên tại Việt Nam là trình độ ngoại ngữ. Với những thuyết minh viên biết ngoại ngữ thì đa phần chỉ biết tiếng Anh, thuyết minh viên biết tiếng Pháp, Trung Quốc còn ít và tiếngTây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc rất ít… Việt Nam đang hướng đến trong thời gian tới sẽ có chương trình đào tạo đạt chuẩn dành cho thuyết minh viên du lịch. Tuy nhiên, việc áp dụng một chương trình đào tạo hướng dẫn viên di sản chung cho tất cả các địa phương tại Việt Nam sẽ có một số khó khăn và thách thức như sau: – Nhiều địa phương còn đang thiếu cơ sở đào tạo chuyên ngành về du lịch và về nghề thuyết minh viên. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2016, tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam có 156 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có: 48 trường đại học; 43 trường cao đẳng và cao đẳng nghề. Hiện nay, các cơ sở đào tạo còn gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong việc đào tạo và thực hành. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo du lịch tại Việt Nam còn thiếu giáo viên/giảng viên đạt chuẩn để giảng dạy chương trình đào tạo thuyết minh viên. Khóa đào tạo giảng viên nguồn chương trình hướng dẫn viên du lịch tại các khu Di sản thế giới của UNESCO là một giải pháp để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên chương trình này mới chỉ được thực hiện trong một quy mô hẹp và chưa đươc nhân rộng. – Cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo, điểm du lịch và công ty lữ hành để các thuyết minh viên được đào tạo gắn với thực tế và có khả năng phát huy nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. – Bên cạnh chương trình đào tạo mới, Việt Nam cũng cần có chương trình đào tạo bổ sung và đào tạo nâng cao cho đội ngũ thuyết minh viên hiện có. Điều này thực sự cần thiết do thực trạng chênh lệch về trình độ của đội ngũ thuyết minh viên giữa các vùng miền và các địa phương. Hiện nay các chương trình đạo tạo này vẫn thường do các địa phương tự xây dựng và tổ chức. Việt Nam đang đề ra mục tiêu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Và du lịch di sản văn hóa, một trong những sản phẩm du lịch được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam, sẽ phải có vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng đó, như được đề ra trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để nâng cao hình ảnh của di sản Việt Nam và chất lượng sản phẩm du lịch tại các điểm di sản, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm du lịch di sản là việc quan trọng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên với thực trạng chưa có được một chương trình đào tạo thuyết minh viên đạt chuẩn và thống nhất trên cả nước; thiếu cơ sở đào tạo và người giảng dạy, việc đào tạo và phát triển đội ngũ thuyết minh viên di sản có chất lượng cao tại Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn.
ThS. Đinh Thị Hồng Nhung – Phòng Quản lý khoa học & Hợp tác quốc tế
Du Lịch Tâm Linh Ở Việt Nam – Thực Trạng Và Định Hướng Phát Triển – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch (Itdr)
Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Tuy vậy, nhận thức về du lịch tâm linh vẫn chưa thực sự đầy đủ và thống nhất. Những năm qua, Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó du lịch tâm linh có đóng góp to lớn và bền vững vào sự tăng trưởng đó. Những lợi ích của du lịch tâm linh không chỉ về kinh tế mà hơn bao giờ hết là những giá trị tinh thần cho đời sống xã hội. Với ý nghĩa đó, Hội nghị này tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh nhằm hướng tới phát triển bền vững đối với Du lịch Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Tham luận này đề cập đến tình hình và định hướng phát triển du lịch tâm linh đóng góp vào quá trình tăng trưởng bền vững cho du lịch Việt Nam.
1.Quan niệm về du lịch tâm linh
Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những quan niệm khác nhau và đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.
Với cách hiểu như vậy, có thể nhận diện những dòng người đi du lịch đến các điểm tâm linh gắn với không gian văn hóa, cảnh quan các khu, điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của mình, trong đó nhu cầu tâm linh được xem là cốt yếu. Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Ở đó du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội… Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, các hoạt động kinh doanh, tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh trên các tuyến hành trình và tại các khu, điểm du lịch được thực hiện, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân địa phương, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
2. Đặc điểm và xu hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam
a) Đặc điểm
Sự đặc thù khác biệt của du lịch tâm linh ở Việt Nam so với các nơi khác trên thế giới có thể nhận thấy đó là:
– Du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin và ở Việt Nam, trong đó Phật giáo có số lượng lớn nhất (chiếm tới 90%) cùng tồn tại với các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo… Triết lý phương đông, đức tin, giáo pháp, những giá trị vật thể và phi vật thể gắn với những thiết chế, công trình tôn giáo ở Việt Nam là những ngôi chùa, tòa thánh và những công trình văn hóa tôn giáo gắn với các di tích là đối tượng mục tiêu hướng tới của du lịch tâm linh.
– Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, dân tộc (Thành Hoàng) trở thành du lịch về cội nguồn dân tộc với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Mới đây, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại.
– Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân báo hiếu đối với bậc sinh thành.
– Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với những hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga hướng tới sự cân bằng, thanh tao, siêu thoát trong đời sống tinh thần, đặc trưng và tiêu biểu ở Việt Nam mà không nơi nào có đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
– Ngoài ra du lịch tâm linh ở Việt Nam còn có những hoạt động gắn với yếu tố linh thiêng và những điều huyền bí.
b) Xu hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam
Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Nhu cầu du lịch tâm linh của người Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Ngày nay du lịch tâm linh ở Việt Nam đang trở thành xu hướng phổ biến:
– Số lượng khách du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Số khách du lịch đến các điểm tâm linh tăng cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.
– Nhu cầu và du lịch tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân.
– Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch linh ngày càng đẩy mạnh thể hiện ở quy mô, tính chất hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Ra đời và phát triển ngày càng nhiều các điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Đền Hùng (Phú Thọ); Yên Tử (Quảng Ninh); Chùa Hương (Hà Nội); Phát Diệm (Ninh Bình); Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh); Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương); Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang); Công Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Đền Trần-Phủ Dầy (Nam Định)…
– Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về khía cạnh kinh tế và xã hội. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với phát triển du lịch tâm linh và coi đó là một trong những giải pháp đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân đồng thời với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, suy tôn những giá trị nhân văn cao cả.
3. Tình hình phát triển và kết quả đóng góp của du lịch tâm linh vào tăng trưởng du lịch Việt Nam
Trong giai đoạn vừa qua, Du lịch Việt Nam chứng kiến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ ấn tượng trên 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 và suy thoái kinh tế thế giới 2009). Năm 2012, với 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2013 số khách quốc tế đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2012. Với tốc độ đó, ước tính 2013 Việt Nam sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu sẽ đạt 195.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD). Như vậy, chỉ sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần; tổng thu du lịch tăng trên 2,2 lần. Với những chỉ tiêu tổng thể đó thì mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã về đích trước 2 năm. Đạt được kết quả tăng trưởng đó có sự đóng góp tích cực của du lịch tâm linh với những kết quả đáng ghi nhận.
a) Số lượng, cơ cấu khách du lịch tâm linh
Ở Việt Nam, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn. Thông thường khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục đích tâm linh được lồng ghép trong nhiều chuyến đi. Vì vậy, khó có thể phân biệt rõ số khách với mục đích du lịch tâm linh thuần túy (ngoại trừ số tăng ni, phật tử, tín đồ, khách hành hương).
Trong số 32,5 triệu khách du lịch nội địa năm 2012 chỉ tính riêng số khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh) có khoảng 13,5 triệu lượt, tương đương 41,5%. Một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu năm 2012 đón một lượng khách lớn như Miếu Bà Chúa Xứ An Giang (3,6 triệu lượt khách), Chùa Hương (1,5 triệu lượt); Chùa Bái Đính (2,1 triệu lượt), Yên Tử (2,3 triệu lượt), khu du lịch Núi Bà Đen (2,2 triệu lượt); Cô Sơn Kiếp Bạc (1,2 triệu). Đối với khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích tâm linh không nhiều, trong số 6,8 triệu lượt khách đến Việt Nam năm 2012 ước tính có khoảng 12% khách du lịch có đến các điểm du lịch tâm linh.
b) Những hoạt động du lịch tâm linh chủ yếu
– Hành hương đến những điểm tâm linh: những ngôi chùa (cả nước có trên cả nước có 465 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia), tòa thánh, đền, đài, lăng, tẩm, phủ, khu tưởng niệm; tiến hành các hoạt động thờ cúng: thờ cúng thành hoàng, thờ mẫu, thờ cúng tổ nghề, thờ tam phủ, tứ phủ, thờ tứ pháp, thờ bốn vị tứ bất tử, thờ danh nhân, anh hùng dân tộc, thờ táo quân, thổ địa… Các hoạt động chiêm bái, cầu nguyện, tụng kinh, thiền, yoga, pháp đàm; thiền trà; tham vấn; pháp thoại; thiền ca; thiền buông thư,…
– Tham quan, vãn cảnh, thưởng ngoạn không gian cảnh quan và không gian kiến trúc, điêu khắc gắn với điểm tâm linh; tìm hiểu văn hóa gắn với lịch sử tôn giáo và lối sống bản địa, những giá trị di sản văn hóa gắn với điểm tâm linh
– Tham gia lễ hội tín ngưỡng, dân gian: Quốc giỗ, lễ hội Đến Hùng, Lễ Vu Lan, lễ hội Thánh Gióng (Hà Nội), lễ hội vía Bà Tây Ninh, lễ hội Tế Cá Ông (Bình Thuận), lễ hội vía Bà núi Sam (Châu Đốc) v.v.
c) Dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh
Dịch vụ lữ hành phục vụ các chương trình du lịch với mục đích tâm linh kết hợp các mục đích khác; dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm lưu niệm; phục vụ cúng tế, chiêm bái, thiền, yoga; dịch vụ vận chuyển bằng xe điện, cáp treo, lái đò, thuyền; dịch vụ thuyết minh; dịch vụ chụp ảnh; thưởng thức nghệ thuật dân gian, văn nghệ truyền thống, âm nhạc, múa, trò chơi dân gian…
d) Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch tâm linh
Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ngắn, có thể chỉ vài giờ trong ngày, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày. Thông thường khách du lịch tâm linh đi trong ngày và ít nghỉ lại qua đêm. Thời gian lưu trú lâu dài nhất là 1.8 ngày như ở Măng Đen gắn với các mục đích khác như nghỉ dưỡng, sinh thái. Thời gian đi du lịch tâm linh thường tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm âm lịch và các thời điểm lễ hội dân gian năm.
e) Chi tiêu của khách du lịch tâm linh
Chi tiêu của phần lớn khách du lịch tại các điểm tâm linh thường là thấp, chủ yếu chi cho các hoạt động phục vụ tế lễ, cầu nguyện, chiêm bái… mà ít phát sinh chi phí. Một số điểm tâm linh thu phí tham quan, còn lại hầu hết các điểm tâm linh gắn với tín ngưỡng không thu phí nhưng đều có các hòm công đức để khách tự nguyện đóng góp. Số tiền đóng góp tự nguyện đó khá lớn và là nguồn thu chính cho việc trùng tu, quản lý vận hành các điểm du lịch tâm linh. Các chi tiêu cơ bản cho các hoạt động di chuyển (cáp treo, thuyền, đò, xe điện…) chiếm một tỷ trọng đáng kể. Chi cho ăn uống và giải khát, chi cho lưu trú qua đêm, lưu niệm, sản vật địa phương… chiếm một tỷ trọng đáng kể nhưng không lớn do khách hầu hết viếng thăm trong thời gian ngắn, ít nghỉ lại qua đêm. Theo báo cáo của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, doanh thu từ các địa điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa của chi tiêu tại điểm du lịch tâm linh đến cộng đồng dân cư là rất lớn, có tác động rõ rệt thông qua tạo việc làm, bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương.
f) Du lịch tâm linh đóng góp tích cực vào phát triển bền vững
– Người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách tại các điểm du lịch tâm linh: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống (Ví dụ ở Tràng An: 1 vụ đò bằng 3 vụ lúa). Du lịch tâm linh tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang kết hợp dịch vụ.
Theo lời kể của người dân chèo đò, trước đây, hơn 10 năm khu vực Bái Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến, đường đi vào rất khó khăn, người dân sống lam lũ, một mùa cấy lúa nước, thu nhập bấp bênh, không có việc làm. Nhưng từ khi dự án xây dựng chùa Bái Đính, bộ mặt ở đây đã đổi thay cuộc sống của người dân đã có sự dịch chuyển từ thuần nông sang làm dịch vụ; nay một vụ đò bằng 3 vụ lúa; hàng chục ngàn người đã có việc làm, thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng, an ninh trật tự được đảm bảo. Có thể nói, cuộc sống của người dân ở đây đã thực sự đổi thay nhờ du lịch tâm linh đến Bái Đính-Tràng An.
– Với triết lý đạo Phật cũng như các tôn giáo khác là sống tốt đời đẹp đạo, du lịch tâm linh chủ động và tích cực trong việc bảo vệ môi trường và đóng góp thích đáng vào phát triển bền vững. Ở Việt Nam hầu hết các điểm du lịch tâm linh là những nơi có phong cảnh đẹp, hệ sinh thái độc đáo luôn được giữ gìn bảo vệ môi trường tốt bằng các hành vi có ý thức của con người. Ngoại trừ những nơi do thương mại hóa quá mức không kiểm soát nổi dẫn tới quá tải.
– Du lịch tâm linh mang lại những giá trị trải nghiệm thanh tao cho du khách, nhận thức và tận hưởng những giá trị về tinh thần giúp cho con người đạt tới sự cân bằng, cực lạc trong tâm hồn như theo triết lý từ-bi-hỷ-xả của đạo Phật… Những giá trị ấy có được nhờ du lịch tâm linh và đóng góp quan trọng vào sự an lạc, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống cho dân sinh.
– Du lịch tâm linh đạt tới sự phát triển cân bằng về các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững.
4. Định hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam
a) Về quan điểm phát triển
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thể hiện trong quan điểm Chiến lược phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh, phát triển du lịch tâm linh dựa trên các quan điểm chủ đạo sau:
– Thứ nhất, Du lịch tâm linh phải được tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam.
– Thứ hai, Phát triển du lịch tâm linh trở thành động lực thu hút khách du lịch, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho du lịch Việt Nam và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; phát triển du lich tâm linh trở thành giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững thông qua tạo việc làm, thu nhập cho cư dân địa phương, tăng cường hiểu biết giao lưu văn hóa, tìm hiểu thế giới và tạo động lực bảo tồn giá trị truyền thống, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
– Thứ ba, Phát triển du lịch tâm linh trở thành mục tiêu phát triển đời sống tinh thần cho nhân dân hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ và nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ xã hội; du lịch tâm linh phải phát triển theo hướng chăm lo nuôi dưỡng tinh thần tiến bộ, làm cho tư tưởng, tinh thần trong sáng đồng thời đấu tranh, bài trừ những hủ tục, dị đoan làm sai lệch tư tưởng và u muội tinh thần.
b) Định hướng những giải pháp trọng tâm
Với quan điểm phát triển du lịch tâm linh nêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Du lịch cần hướng tới, đó là:
– Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh, đảm bảo thực hiện đúng các quan điểm phát triển du lịch tâm linh mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội bền vững; Thực hiện chương trình nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh cho các đối tượng từ cấp hoạch định chính sách cho tới phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho dân cư trong việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với điểm du lịch tâm linh; tạo điều kiện và định hướng hoạt động cho các chức sắc tôn giáo, các tín đồ, tăng ni, phật tử trong việc tổ chức hoạt động du lịch tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
– Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh dựa trên quy hoạch các khu, điểm du lịch tâm linh. Đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt về tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với điểm tâm linh trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc Việt Nam để thu hút khách du lịch; đầu tư vào hạ tầng tiếp cận điểm du lịch linh và hệ thống cơ sở dịch vụ đảm bảo chất lượng, tiện nghi, hài hòa với không gian và tính chất khu, điểm du lịch tâm linh.
– Tổ chức cung cấp dịch vụ tại điểm du lịch tâm linh và tăng cường quản lý điểm đến du lịch tâm linh
– Tăng cường nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh trong mối liên kết phát triển các loại hình du lịch khác đi liền với quản lý điểm đến trở thành thương hiệu du lịch nổi bật như Yên Tử, Hương tích, Bái Đính…
– Thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các điểm du lịch tâm linh trong nước: Yên Tử-Côn Sơn Kiếp Bạc-Hương tích-Đền Trần Phủ Dầy-Tam Chúc Ba Sao… và ngoài nước với: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Myanma, Nepal, Bhutan, Trung đông… trong khuôn khổ hợp tác du lịch song phương và đa phương.
– Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch tâm linh.
5. Kết luận
Du lịch tâm linh đang trở thành xu hướng phổ biến, gắn kết các nền văn hóa trong thế giới tinh thần. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nhu cầu hướng tới những giá trị tinh thần cao cả, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo.
Những giá trị văn hóa tâm linh trên khắp mọi miền đất nước có sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ. Thời gian qua, số lượng lớn khách du lịch tới điểm tâm linh hàng năm và xu hướng ngày càng đông đảo du khách có nhu cầu du lịch tâm linh; hoạt động du lịch tâm linh ở Việt Nam không chỉ gắn với tôn giáo mà biết kết hợp phát huy triết học phương đông, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, các vị tiền bối có công với nước.
Du lịch tâm linh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, ngày càng sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững.
Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần cho nhân dân thông qua các chính sách tạo điều kiện cho du lịch tâm linh phát triển theo đúng hướng mang lại những giá trị tinh thần thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội và phát triển kinh tế du lịch nói riêng. Trong thời gian tới, theo quan điểm chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh phù hợp với xu hướng chung và vì sự phát triển bền vững./.
Tham luận của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn tại Hội Nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (Ninh Bình, 21-22/11/2013)
Lợi Thế Cạnh Tranh Phát Triển Du Lịch Việt Nam Và Một Số Tỉnh Miền Trung – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch (Itdr)
Hiện nay du lịch Việt Nam đang phát triển trong một bối cảnh có nhiều biến động, sức ép cạnh tranh gia tăng. Nhiều quốc gia trong khu vực có trình độ phát triển du lịch cao, có nhiều chính sách hỗ trợ, sự phát triển kinh tế – xã hội tạo nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch. Những nhân tố nào, những địa bàn nào có những ưu thế cạnh tranh về du lịch, xem xét trên trong tương quan cạnh tranh có thể thấy một số yếu tố có thể coi là những lợi thế quan trọng của du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác trong thời gian tới gồm:
– Tài nguyên du lịch đa dạng. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Các tài nguyên phong phú, đa dạng của được trải đều trên chiều dài đất nước, phân bổ khá đồng đều ở hầu hết các không gian. Các tài nguyên tự nhiên và văn hoá nằm đan xen tạo ra sức hấp dẫn cao. Nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên còn mang tính hoang sơ, một mặt hấp dẫn thị trường chính bởi tính nguyên vẹn, hoang sơ của thiên nhiên khi tốc độ đô thị hoá diễn ra liên tục ở nhiều nơi, mặt khác cũng là lợi thế khi khai thác đầu tư trong các định hướng mới, phù hợp nhu cầu thị trường trong khi các quốc gia khác đã đầu tư phát triển từ lâu, sản phẩm đã chín muồi. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá thế giới được UNESCO công nhận so với nhiều nước trong khu vực. Sự đa dạng về khí hậu giữa các vùng miền của Việt Nam cũng tạo ra nhiều trải nghiệm và khả năng khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng hơn. Hệ thống tài nguyên du lịch ở nhiều nơi được khai thác đã xây dựng được nhìn nhận, đánh giá tốt trong thị trường. Các ghi nhận thông qua sự bầu chọn của nhiều tạp chí uy tín trên thế giới, tổ chức và hội doanh nghiệp lữ hành trên thế giới hay các trang mạng bình chọn của người tiêu dùng đã có nhiều đánh giá tích cực với các điểm du lịch của Việt Nam như Hạ Long, Hà Nội, Hội An, các bãi biển đẹp như Bãi Dài (đảo Phú Quốc), Lăng Cô (Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hoà), các bảo tàng hay như Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng phụ nữ, Bảo tàng chiến tranh, hay đến các món ăn như Phở, Cà phê…
– Điểm đến mới với nhiều thị trường khách du lịch quốc tế. Với quá trình phát triển không quá dài, Việt Nam đang dần đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại nhiều địa bàn trên cả nước. Trong một số nghiên cứu, du lịch Việt Nam được thị trường quốc tế đánh giá là điểm đến mới nổi có nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam là điểm đến với sự phát triển liên tục, tốc độ đầu tư lớn, sự thay đổi diện mạo nhanh chóng; các điểm đến, các sản phẩm du lịch liên tục được mở rộng ở nhiều điểm đến tạo ra sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đối với thị trường.
– Thị trường lao động lớn. Du lịch là ngành sử dụng lao động lớn nhất so với các ngành dịch vụ, không chỉ lao động trong ngành và còn trong xã hội. Việt Nam là nước có dân số lớn, trong đó dân số trẻ có tỷ lệ khá cao so với mặt bằng của thế giới và trong khu vực. Thị trường lao động này có khả năng cung cấp nguồn nhân lực dồi dào phục vụ du lịch.
– Giá cả có mức so sánh tốt. So với nhiều nước trong khu vực và quốc tế thì giá cả hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam có mức giá không quá cao. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn quan trọng đối với thị trường. Hầu như giá các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm hàng hoá bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, truyền thông đều có mức giá thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.
– Con người hiền hậu, dễ mến. Việt Nam là dân tộc mến khách, được nhiều khách du lịch đánh giá cao. Con người và lối sống của người dân các vùng miền chính là một trong những điểm hấp dẫn sẵn có như một lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Việt Nam với 54 dân tộc,có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số với những nét sinh hoạt theo những tập tục truyền thống khác nhau tạo nên sức hấp dẫn lớn để du khách khám phá.
– Nghề truyền thống phát triển. Việt Nam là quốc gia có truyền thống lịch sử lâu dài và hệ thống làng và các nghề truyền thống đa dạng, nhiều nghề còn lưu truyền. Phát triển các nghề truyền thống trong quá trình phát triển hiện đại như hiện nay là rất cần thiết. Các làng nghề truyền thống là đối tượng tham quan, tìm hiểu của hoạt động du lịch. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống cung cấp như các sản phẩm tiêu dùng, quà tặng và sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch có thể tạo ra sức cạnh tranh và nét riêng biệt của du lịch Việt Nam.
– Kinh tế năng động, cập nhật công nghệ nhanh chóng. Là quốc gia mới ra khỏi nhóm các nước nghèo nhưng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn gần đây đang có đà phát triển bứt phá khá nhanh như một nền kinh tế năng động. Khả năng cập nhật công nghệ hiện đại và thông tin khá nhanh chóng. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại đang diễn ra khá sôi động trong thực tiễn có thể phục vụ tốt như lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Khả năng và giá truy cập internet ở Việt Nam có lợi thế hơn hẳn nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều thành phố là điểm du lịch quan trọng, wifi miễn phí được phủ sóng phục vụ nhu cầu của khách du lịch; nhiều trang mạng xã hội, blogger trao đổi thông tin du lịch; các trang web đặt trực tuyến, các công cụ đặt qua ứng dụng điện thoại di động…liên tục được cập nhật, áp dụng. Giá thành công nghệ tại Việt Nam cũng cạnh tranh hơn so với nhiều quốc gia.
Khu vực miền Trung có sự bứt phá nhanh chóng trong quá trình phát triển du lịch và bộc lộ rõ ràng năng lực cạnh tranh, tập trung vào một số địa phương tiêu biểu như Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa. Những điều kiện và lợi thế cạnh tranh của các tỉnh này cũng góp phần mang đến khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam nói chung.
Thừa Thiên-Huế
– Là một địa bàn nổi bật về du lịch văn hóa của Việt Nam, Huế là vùng đất cố đô được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Ở đây hiện hữu hai di sản văn hóa thế giới vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Cố đô Huế và nhã nhạc cung đình Huế. Bên cạnh đó thì lối sống, văn hóa ở đây cũng thể hiện sâu đậm các giá trị văn hóa truyền thống của cố đô. Hệ thống di tích, các làng nghề truyền thống, phong cách ẩm thực là những nét tiêu biểu và khác biệt của Huế.
– Thừa Thiên – Huế cũng còn nhiều điểm hấp dẫn để có hoạt động du lịch đa dạng. Ngoài hệ thống di tích gắn với di sản, Huế còn có hệ thống chùa chiền rất tiêu biểu, sông Hương, núi Ngự có nét quyến rũ và phong cảnh hữu tình. Thêm nữa, Thừa Thiên – Huế cũng có những bãi tắm đẹp, nằm trong số các bãi tắm đẹp của Việt Nam.
– Con người Huế là những người có phong cách và văn hóa sống khá được gìn giữ theo truyền thống, ngoài ra là những người mến khách, hiền hậu.
– Huế là một trong những thành phố đi đầu với sáng kiến phủ sóng wifi miễn phí tại các điểm du lịch chính tạo ra sự thuận lợi và tiện ích cho du khách.
Quảng Nam
– Quảng Nam cũng là nơi có sự tập trung cao về di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Đây là những di sản tiêu biểu cho các nền văn hóa khác nhau. Thánh địa Mỹ Sơn còn lưu giữ các di tích của nền văn hóa Chăm, phố cổ Hội An là dấu tích thương cảng với sự giao thoa văn hóa đậm chất. Phố Cổ Hội An là một trong số ít các di sản sống. Hội An được thị trường quốc tế đánh giá cao, nhiều trang bình chọn, tạp chí danh tiếng đã xếp chọn Hội An nằm trong số top 20 các điểm đến hấp dẫn nên đến trên thế giới…
– Lối sống của cộng đồng dân cư và các nghề truyền thống phát triển được khai thác tốt phục vụ du lịch. Tìm hiểu văn hóa, lối sống và mua sắm, ẩm thực là những nét hấp dẫn cao của Hội An với thị trường. Đặc biệt các hoạt động về đêm về các lễ hội đèn lồng, thả đèn, nghe hát bài chòi..trong các không gian phố cổ nhộn nhịp được khách du lịch đánh giá rất cao.
– Sự tham gia cộng đồng trong hoạt động du lịch ở Hội An là điểm mạnh và có thể khai thác như thế mạnh cạnh tranh. Việc quản lý các hoạt động du lịch, dịch vụ tại Hội An hiện nay cũng là một trong những điểm được đánh giá cao ở Việt Nam, tạo nên khả năng khai thác và tổ chức sản phẩm tốt.
– Hội An cũng là một trong những nơi được phủ sóng wifi miễn phí sớm phục vụ cho hoạt động du lịch.
Khánh Hòa
– Là điểm đến du lịch phát triển từ khá sớm, đến nay đã gây dựng được hình ảnh, có thị trường truyền thống và các thị trường mới liên tục gia tăng. Vịnh Nha Trang nằm trong 30 vịnh đẹp nhất thế giới được quốc tế công nhận.
– Khánh Hòa có thể cung cấp nhiều loại sản phẩm du lịch, phục vụ nhiều đối tượng thị trường khách khác nhau. Tài nguyên du lịch đa dạng, trên bờ, ngoài đảo ven bờ. Tài nguyên sinh thái biển đa dạng, có nguồn nước suối khoáng và bùn khoáng. Có thể phát triển được các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ nhiều loại nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, khám phá.
– Thành phố Nha Trang cũng được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối phát triển, phục vụ được nhu cầu hội thảo, hội nghị, sự kiện lớn. Các trung tâm mua sắm và giải trí đô thị phát triển mạnh.
Phòng QLKH&HTQT
Tình Hình Du Lịch Việt Nam, Cơ Hội Thách Thức Trong Hội Nhập Quốc Tế – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch (Itdr)
Ngành du lịch đang đi nốt những ngày cuối cùng của năm 2017 trong tâm thế hồ hởi với một thành tích gần như trong tầm tay: Đón 13 triệu du khách nước ngoài, tăng 30% so với năm ngoái. Chưa bao giờ Việt Nam đạt được con số cao kỷ lục như vậy. Du lịch Việt Nam đang trên con đường trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thực sự. Với tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển, lượng khách quốc tế đến cũng như lượng khách đi du lịch nội địa ngày càng tăng. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế. Du lịch Việt Nam đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Một số chỉ tiêu về du lịch giai đoạn 2011-2016
Bảng 1: Một số chỉ tiêu du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2016
Nguồn: vietnamtourism.gov.vn
Tăng trưởng tốc độ cao Các chỉ tiêu về số lượng khách quốc tế, nội địa, tổng thu từ du lịch, đóng góp của du lịch vào GDP tăng nhanh. Triển vọng du lịch Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo là rất khả quan. – Về khách quốc tế: Mục tiêu năm 2017, đón 13-14 triệu khách, 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón 6,2 triệu lượt khách. Tính đến cuối tháng 12, Việt Nam đã đón được khoảng 13 triệu lượt khách, hoàn thành mục tiêu chính phủ giao cho ngành du lịch, là con số kỷ lục chưa từng có mà ngành du lịch đã đạt được. – Về khách du lịch nội địa: mục tiêu 2017 phục vụ 66 triệu lượt. Ước tính số liệu 6 tháng đầu năm 2017, đã phục vụ 40,7 triệu lượt khách nội địa. Tính đến hết năm 2017, đã phục vụ khoảng 74 triệu lượt khách nội địa, vượt xa mục tiêu đặt ra. Ngành du lịch Việt Nam trong 5 năm qua đã không ngừng phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình gấp khoảng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP chung cả nước; đóng góp trực tiếp 6,6% và đóng góp chung 13% trong cấu thành GDP của Việt Nam. Riêng trong năm 2017, du lịch là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế đất nước, ước tính du lịch đóng góp 1% vào mức tăng trưởng của GDP của Việt Nam. Năm 2016 tổng thu từ du lịch đạt 417,2 nghìn tỷ đồng, so với 337,82 nghìn tỷ đồng của năm 2015, mục tiêu năm 2017 đạt tổng thu từ du lịch là 460.000 tỷ đồng đóng góp 6,6% GDP cả nước, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp đến 2,25 triệu người, giá trị xuất khẩu đến 8,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 12 năm 2017, ước tính tổng thu du lịch thu về 515.000 tỷ đồng, đã vượt rất xa mục tiêu đề ra. Thu hút mạnh đầu tư, phát triển nhanh cở sở hạ tầng, CSVCKT du lịch được cải thiện Những năm qua, hàng chục tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 300.000 tỷ đồng đầu tư trong nước (với hơn 6.100 tỷ đồng đầu tư NSNN từ năm 2006 đến nay) đã được đầu tư cho hạ tầng du lịch quốc gia, hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương và hình thành rõ hơn các vùng động lực phát triển du lịch Việt Nam. Năm 2015, toàn ngành đang có 18.800 cơ sở lưu trú với hơn 355.000 buồng và 1.573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành nội địa, các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, cơ sở giải trí văn hóa, thể thao, hội nghị, triển lãm và nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời, cải tạo, nâng cấp tại hầu hết các địa bàn phát triển du lịch trọng điểm. Đặc biệt, hàng trăm khách sạn, khu du lịch cao cấp được xây mới, hình thành hàng loạt cơ sở lưu trú (khách sạn và tổ hợp resort) cao cấp như: Intercontinental, JW Marriott, hệ thống khách sạn Mường Thanh, FLC, VinGroup, SunGroup…làm diện mạo ngành du lịch có những thay đổi căn bản.
Hệ thống vận tải du lịch, nhất là hàng không và đường bộ, đang được xã hội hóa mạnh và ngày càng kết nối rộng rãi với các điểm đến trong và ngoài nước, cả tầm ngắn, tầm trung và tầm dài. Việt Nam hiện có 52 hãng hàng không quốc tế đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 54 đường bay quốc tế, 48 đường bay nội địa kết nối. Việt Nam đã tham gia hàng loạt văn kiện pháp lý và dự án hợp tác quốc tế về du lịch. Du khách 22 quốc gia đã được miễn visa đến Việt Nam. Hình thành các điểm đến, sản phẩm du lịch Quá trình phát triển, các sản phẩm du lịch Việt Nam đã được thị trường nhìn nhận và đánh giá cao như: du lịch tham quan cảnh quan, di sản di tích, nghỉ dưỡng biển, núi, du lịch tâm linh, lễ hội, ẩm thực, du lịch thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch MICE,.. Các sản phẩm tham quan cảnh quan như: Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn,..Du lịch thể thao mạo hiểm như khám phá Sơn Đoòng, Phong Nha – Kẻ Bàng,…nghỉ dưỡng biến Phú Quốc, Nha Trang, Mũi Né,…được du khách trong nước và du khách quốc tế yêu thích… Phát triển nguồn nhân lực du lịch còn nhiều bất cập Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, tính đến hết năm 2015, ngành du lịch mới có khoảng hơn 2,2 triệu lao động với hơn 600.000 lao động trực tiếp. Điều này một mặt khẳng định còn khá nhiều tiềm năng để phát triển ngành này, nhưng mặt khác cũng bộc lộ lỗ hổng lớn về nhân lực của ngành. Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao Theo thống kê của Tổng cục Du lịch mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động; nhưng chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong số đó chỉ có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng. Các con số này cho thấy, nguồn nhân lực không những thiếu về số lượng mà còn thiếu trầm trọng đội ngũ được đào tạo bài bản. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực quản lý. Ngay cả khi tuyển đúng người học ngành du lịch, các doanh nghiệp vẫn mất thời gian, công sức đào tạo lại. Trong quá trình này, doanh nghiệp cũng vướng phải không ít khó khăn, khi mà người quản lý kiêm vai trò đào tạo giỏi không nhiều, thường hướng dẫn theo kinh nghiệm là chủ yếu, thiếu kỹ năng, kiến thức cụ thể. Ngoại ngữ, tin học được coi là chìa khóa để hội nhập, song đây lại là điểm yếu lớn của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam (dựa vào bảng xếp TTCI của WEF 2015) TTCI đánh giá năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành của 141 nền kinh tế, hệ thống tính điểm bao gồm 4 chỉ tiêu chính, 14 mục và 90 chỉ tiêu riêng biệt. Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực Du lịch và Lữ hành của các quốc gia dựa trên 4 chỉ tiêu chính: Môi trường du lịch, Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, Cơ sở hạ tầng, Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75/141 quốc gia trong bảng xếp hạng, tăng 5 bậc so với năm 2013. Trong khu vực, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam được TTCI xếp hạng 7 trên 9 nước ASEAN (Brunei không xếp hạng), cụ thể như trong bảng sau:
Bảng 2: Một số chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành theo Diễn đàn kinh tế thế giới
Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới WEF
Có thể thấy rằng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực thuộc dạng yếu kém. Mặc dù, trong một số lĩnh vực, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ngang bằng thậm chí là vượt hơn hẳn như sự an toàn, an ninh; giá cả cạnh tranh; tài nguyên du lịch thiên nhiên; nguồn nhân lực lao động, nhưng những yếu tố này cũng chưa thể nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, cần phải có những đổi mới cả về chính sách, cơ sở hạ tầng và môi trường du lịch trước khi những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không còn là duy nhất.
Vài nét chính trong hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam
Hội nhập WTO Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức WTO sau khi Quốc hội phê chuẩn vào đầu tháng 01 năm 2007. Riêng trong lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam đã cam kết tất cả 11 ngành dịch vụ được phân loại theo Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ (GATS). Đối với dịch vụ du lịch, Việt Nam chỉ cam kết đối với các phân ngành dịch vụ đại lý du lịch và kinh doanh lữ hành du lịch, dịch vụ sắp xếp chỗ trong khách sạn, dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống. Những cam kết này sẽ được áp dụng tự động cho các thành viên ASEAN. GATS quy định có 4 phương thức cung cấp dịch vụ, bao gồm: 1) cung cấp qua biên giới (dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một Thành viên này sang lãnh thổ của một Thành viên khác,); 2) tiêu dùng ngoài lãnh thổ (người tiêu dùng của một Thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một Thành viên khác để tiêu dùng dịch vụ); 3) hiện diện thương mại (nhà cung cấp dịch vụ của một Thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh v.v…trên lãnh thổ của một Thành viên khác để cung cấp dịch vụ); 4) hiện diện thể nhân (thể nhân cung cấp dịch vụ của một Thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một Thành viên khác để cung cấp dịch vụ). Trong các cam kết của mình với WTO, Việt Nam cam kết không hạn chế đối với phương thức 1 và 2. Đối với phương thức 3, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ hạn chế vốn sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết trong hoạt động đại lý du lịch, kinh doanh lữ hành du lịch. Tuy nhiên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lữ hành du lịch có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam (inbound) và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần của dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp sở hữu nước ngoài không được phép thực hiện các dịch vụ gửi khách trong nước. Công ty nước ngoài tuy được phép đưa cán bộ quản lý vào làm việc tại Việt Nam nhưng ít nhất 20% cán bộ quản lý của công ty phải là người Việt Nam. Đối với phương thức 4, Việt Nam vẫn không cho phép hướng dẫn viên du lịch nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam. Như vậy, có thể nói Việt Nam đã mở cửa thị trường du lịch tương đối mạnh mẽ so với một số ngành dịch vụ khác như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chắc chắn cơ hội mang lại cho ngành Du lịch Việt Nam sau khi WTO sẽ nhiều hơn thách thức nếu các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đánh giá lại năng lực, định vị lại và xây dựng chiến lược rõ ràng nhằm tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng một cách chủ động cùng với phát huy thế mạnh riêng vốn có của mình. Tham gia công đồng kinh tế ASEAN Hội nhập quốc tế về du lịch của Việt Nam thời gian qua được triển khai theo hướng thúc đẩy ký kết và thực hiện các hiệp định thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ, cấp ngành song phương và đa phương, tranh thủ hợp tác, hỗ trợ của các nước thông qua các chương trình, dự án cụ thể và các cam kết mở cửa tự do hóa thương mại dịch vụ du lịch trong các khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, GMS…. Trong đó, ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất. Du lịch Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và tham gia các cơ chế hợp tác từ cuối những năm 1990, sau khi gia nhập ASEAN (1995). Việt Nam từng bước tham gia đầy đủ các hoạt động trong các nhóm/tiểu ban công tác du lịch từ đầu những năm 2000 và chủ động hội nhập từ cuối những năm 2000. Đối với các cam kết về thị trường, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết đối với các lĩnh vực khách sạn, dịch vụ xếp chỗ ở khách sạn, dịch vụ phục vụ ăn uống và kinh doanh lữ hành quốc tế. Năm 2009, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) – sự kiện lớn nhất trong năm của du lịch ASEAN. Đối với các lĩnh vực cụ thể, Việt Nam đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) (tại ATF 2009, tại Hà Nội) để làm cơ sở cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch ASEAN và tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động trong khu vực. Du lịch Việt Nam đã chủ động đóng góp vào việc triển khai MRA-TP chung của ASEAN thông qua việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn triển khai MRA-TP (2013). Du lịch Việt Nam đã tham gia xây dựng 130 sản phẩm du lịch chung để kết nối ít nhất 2 quốc gia trong ASEAN theo các nhóm chuyên đề như du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa và di sản, du lịch cộng đồng, du lịch đường biển và đường sông đồng thời tích cực triển khai Chiến lược marketing du lịch ASEAN 2011 – 2015 với tiêu đề “Đông Nam Á – cảm nhận sự ấm áp” tập trung vào khai thác các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, khách du lịch trải nghiệm và sáng tạo, khách du lịch khám phá, khách du lịch công vụ, khách du lịch lưu trú dài ngày và người cao tuổi, khách trong nội vùng ASEAN. Cùng với đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Trưởng nhóm Marketing và Truyền thông du lịch ASEAN (2013-2014), hiện đang là Phó Trưởng nhóm Chất lượng dịch vụ du lịch, điều phối phát triển sản phẩm du lịch đường sông và Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển du lịch đường sông khu vực sông Mê Kông do UNWTO hỗ trợ ASEAN, điều phối triển khai Dự án xây dựng Hướng dẫn xây dựng và vận hành loại hình Boutique Hotel; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ASEAN thông qua việc phối hợp cùng các quốc gia thành viên phát triển và áp dụng các bộ tiêu chuẩn chung trong ASEAN như tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN, cơ sở lưu trú nhà dân ASEAN, nhà vệ sinh công cộng ASEAN, dịch vụ Spa ASEAN, tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch ASEAN, tiêu chuẩn du lịch cộng đồng, hướng dẫn an ninh và an toàn du lịch ASEAN cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và lộ trình du lịch ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu… Hàng năm, Du lịch Việt Nam tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế TRAVEX bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN, tham gia và có đóng góp tích cực tại các phiên họp định kỳ và họp chuyên đề. Bên cạnh ATF năm 2009, Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức thành công cuộc họp chuyên đề về Marketing và Phát triển sản phẩm du lịch ASEAN (2013) và sẽ tiếp tục tổ chức phiên họp các nhóm công tác du lịch dự kiến vào tháng 4/2016. Bên cạnh các nội dung hợp tác du lịch ASEAN nói chung, Việt Nam còn tích cực và chủ động trong các cơ chế hợp tác du lịch tiểu vùng và giữa ASEAN với các nước, tổ chức đối tác. Các khuôn khổ hợp tác phổ biến là: Hợp tác kinh tế ACMECS (hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam); Hợp tác GMS (còn gọi là chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc); Hợp tác CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam); Hợp tác giữa ASEAN với các nước và tổ chức đối tác (ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ASEAN với Nga, ASEAN với Ấn Độ, ASEAN với Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, ASEAN với Ngân hàng phát triển châu Á ADB…), và hợp tác du lịch song phương để đóng góp vào cơ chế hợp tác du lịch trong ASEAN. Một số tác động của hội nhập AEC với du lịch Việt Nam Thuận lợi – Do hợp tác phát triển sản phẩm du lịch ASEAN sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt hiện nay – Tranh đủ được các nguồn khách nối tour trong khu vực để qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch khu vực ASEAN nói chung và khả năng kết nối khách giữa Việt Nam với các nước và ngược lại – Việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước nội khối trong AEC sẽ giúp gia tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, việc làm và kết hợp du lịch, tức gia tăng dòng khách quốc tế và tăng cường mật độ, quy mô các loại hình du lịch- kinh doanh, du lịch- hội họp ngay trong nội khối AEC mà Việt Nam là một thành viên. Khó khăn – Hiện sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN không cao, sản phẩm dịch vụ du lịch của Việt Nam chưa tạo được điểm nhấn trong khu vực và thiếu sức hấp dẫn đặc biệt do còn đơn điệu và trùng lặp với các sản phẩm trong khu vực. – Việc thiếu nguồn lực và cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng chung tới hiệu quả của việc tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong khu vực, khó theo kịp các đối thủ cạnh tranh trong khu vực – Tổ chức bộ máy và lực lượng thực hiện hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều bất cập. Thương hiệu du lịch Việt Nam còn đang trong quá trình hình thành, chưa tận dụng được hiệu quả của các cơ hội để xây dựng thương hiệu. – Về chất lượng nguồn nhân lực, nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của hội nhập AEC. Lao động du lịch Việt Nam còn kém cạnh tranh so với các nước có ngành Du lịch phát triển trong khu vực. Chất lượng du lịch toàn ngành chưa cao, việc triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN còn nhiều khó khăn vướng mắc. Ngoài hợp tác trong các khôn khổ hợp tác nêu trên, hợp tác trên các diễn đàn khác như APEC, ASEM và nhiều diễn đàn song phương và đa phương khác tạo ra nhiều cơ hội phát triển du lịch. Các quan điểm định hướng mới trong phát triển du lịch – Những năm gần đây, ngành du lịch đã chứng kiến nhiều dấu ấn đặc biệt trong xây dựng thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đất nước. Với định hướng quan trọng này, nhiều chính sách hỗ trợ mới được hình thành để khác phục khó khăn, khai thách tốt tiềm năng cuãng như phát huy lợi thế để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. Đáng chú ý nhất là Lần đầu tiên Bộ chính trị đã ban hành một nghị quyết về phát triển du lịch: nghị quyết là động lực manh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn tới, có nhiều quan điểm mới chẳng hạn như: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch,… Ngoài ra, lần đâu tiên chính phủ tổ chức một hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch: với nhiều chỉ đạo quan trọng của thủ Tướng như: đổi mới tư duy về phát triển du lịch, tạo điều kiển thuận lợi cho thủ tục xuất nhập cảnh, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá,…Bên cạnh đó, Luật Du lịch sửa đổi được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới, tạo ra hành lang pháp lý vững chắc đảm bảo cho du lịch phát triển. Đồng thời, lần đầu tiên Quốc hội cho thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân của 40 quốc gia, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thành lập nhiều Sở Du lịch tại các địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch,..
Tóm tắt điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của ngành du lịch Việt Nam trong hội nhập quốc tế
Một số nhu cầu phát triển chính của du lịch Việt Nam hiện nay Hai là, cần tăng ngân sách cho xúc tiến, quảng bá du lịch, áp dụng cơ chế linh hoạt, mở văn phòng đại diện du lịch Việt Nam trước tiên tại các thị trường trọng điểm,… Ba là, cần đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh bao gồm: hệ thống sân bay, cảng biển, nhà ga, hệ thống giao thông đường bộ, giao thông công cộng, hệ thống nhà hàng, khách sạn, buồng phòng, hệ thống bảo tàng,….. Bốn là, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý, nhân lực có tay nghề, … Năm là, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội trong phát triển du lịch, kêu gọi toàn thể mọi người chung tay bảo vệ môi trường, …góp phần việc phát triển du lịch.
Văn Dương
Bạn đang đọc nội dung bài viết Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Di Sản Tại Việt Nam Và Một Số Thách Thức Đối Với Chương Trình Đào Tạo Thuyết Minh Viên – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch (Itdr) trên website Tuvanduhocsing.com. Hy vọng một phần nào đó những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp là rất hữu ích với bạn. Nếu nội dung bài viết hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!