Bảo tàng Hồ Chí Minh tọa lạc ở số 19 Ngọc Hà, Ba Đình. Bảo tàng được xây dựng năm 1973 tại chính khu vực mà Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, công trình này đã nhận được sự giúp đỡ chân thành của Liên Xô cũ từ khâu thiết kế đến khâu thi công công trình.
Bước vào sảnh bên trong bảo tàng có đặt một tượng toàn chân dung Hồ Chủ tịch bằng đồng thau, bức tượng toát lên thần thái tác phong của Người gây ấn tượng mạnh với người tham quan. Bảo tàng được trưng bày theo từng giai đoạn cuộc đời hoạt động của Bác.
– Chủ đề 1: Bạn sẽ được giới thiệu về tiểu sử của Người theo trình tự thời gian từ khi Người sinh ra cho đến khi mất. Bắt đầu bằng những hiện vật, hình ảnh về quê hương xứ Nghệ cùng cha mẹ, anh chị em thời niên thiếu của Bác từ năm 1890 đến năm 1910.
– Chủ đề 2: Tiếp đó là cuộc ra đi tìm đường cứu nước đầy gian truân qua nhiều nước, qua nhiều nghề vừa làm vừa học vừa nghiên cứu con đường giải phóng dân tộc từ năm 1911 đến năm 1920.
– Chủ đề 3: Nhiều tư liệu, hình ảnh mô tả thời gian Người hoạt động ở Pháp và có nhiều đóng góp cho vấn đề dân tộc và thuộc địa cũng như một trong những thành viên đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp.
– Chủ đề 4: Bạn sẽ được tiếp cận với những tài liệu nói về giai đoạn tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành sâu sắc và có những bước chuyển lớn trong hoạt động thực tiễn, đây là giai đoạn Người chuẩn bị các mặt về tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho sự ra đời một đảng ở Việt Nam, đảng đại diễn cho gia cấp công nhân đầu tiên ở Việt Nam
– Chủ đề 5: Trưng bày các hiện vật trong giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đấu tranh và giành được độc lập từ tay Phát xít và Thực dân. Ngoài ra còn nhiều tư liệu cho thấy những năm tháng hoạt động cách mạng Bác bị cầm tù ở Hồng Kông, Quảng Tây.
– Chủ đề 6: Giai đoạn cuộc đời Bác gắn bó sâu sắc với cuộc kháng chiến 9 năm trong rừng núi Tây Bắc để bảo vệ chính quyền non trẻ từ năm 1945 đến năm 1954.
– Chủ đề 7: Xoay quanh các hoạt động ngoại giao của Người và quá trình xây dựng lại miền Bắc và đấu tranh ở miền Nam.
– Chủ đề 8: Những tư liệu cuối cùng về Bác cũng là thời gian đau thương nhất của dân tộc khi Người ra đi mãi mãi năm 1969.
– Chủ đề 9: Tổng kết lại cả một quá trình hoạt động cùng những di sản Hồ Chủ tịch để lại cho dân tộc.
Tầng 3 trưng bày theo chuyên đề các dấu mốc lịch sử của khu vực và thế giới có tác động đến tư tưởng, đường lối hoạt động cách mạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Các dấu mốc lịch sử quan trọng về cuộc đời hoạt động của Người (Ảnh: ST)
Đến với bảo tàng Hồ Chí Minh bạn sẽ được hiểu rõ hơn về lịch sử hiện đại Việt Nam qua cuộc đời của Người. Đây cũng là địa điểm các bậc phụ huynh thường đưa con em mình đến để tham quan vừa có tính giải trí vừa có tính giáo dục về tinh thần yêu nước cũng như giáo dục các kiến thức lịch sử cơ bản.
Nhiều khách du lịch đến tham quan bảo tàng không khỏi xúc động và tỏ lòng cảm phục kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hiện vật cổ là bằng chứng sinh động nhất về cuộc đời cũng như nhân cách vĩ đại của Người.
Số lượng khách tham quan đến với bảo tàng ngày càng đông, trung bình một ngày bảo tàng đón khoảng 2000 – 3000 khách tham quan, chưa kể các dịp nghỉ lễ lượng khách tăng đột biến. Không chỉ có khách du lịch mà rất đông đảo khách nước ngoài đến từ nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Úc… cũng rất hứng thú với bảo tàng Hồ Chí Minh. Để đáp ứng nhu cầu tham quan và tìm hiểu bảo tàng ban quản lý xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp tại bảo tàng có thể sử dụng nhiều ngoại ngữ thuận tiện cho việc phiên dịch và giới thiệu các hiện vật với khách nước ngoài.
Bảo tàng Hồ Chí Minh còn là địa chỉ thân thuộc của nhiều nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh trong nước để tìm tài liệu, hiện vật về Hồ Chủ tịch. Hiện nay ngoài những đồ vật cổ đang lưu giữ trưng bày ở bảo tàng thì ban quản lý thường xuyên cử các đoàn nghiên cứu đi sưu tầm và bổ sung thêm những hiện vật mới ở cả trong nước và nước ngoài.
Trong khuôn viên bảo tàng còn có nhiều vùng phụ cận có tác dụng trang trí cảnh quan, tạo không gian thoáng mát cho khách tham quan và tản bộ.
THỜI GIAN MỞ CỬA THAM QUAN BẢO TÀNG
Thời gian mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 2 và thứ 6. Cụ thể:
Vào mùa nóng (tháng 4 đến tháng 10) buổi sáng mở cửa từ 7:30 – 10:30; buổi chiều từ 13:30 – 16:00. Riêng thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ buổi sáng mở cửa từ 7:30 – 11:00.
Vào mùa lạnh (tháng 11 đến tháng 3) buổi sáng mở cửa từ 8:00 – 11:00; buổi chiều từ 14:00 – 16:00. Riêng thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ buổi sáng mở cửa từ 8:00 – 11:30.
DI CHUYỂN ĐẾN BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH BẰNG CÁCH NÀO?
Để di chuyển đến bảo tàng Hồ Chí Minh bạn có thể đi bằng phương tiện cá nhân hoặc tham khảo một số tuyến xe buýt đi qua điểm đó như: Tuyến số 09, số 18, số 33. Giá vé: 7000 VNĐ/lượt.
CÁC ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN GẦN BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH
Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp với các di tích như: Lăng Chủ tịch, di tích phủ Chủ tịch, chùa Một Cột tạo nên một chuỗi các địa điểm tham quan.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình.
Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống.
Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp.
Khu di tích Phủ Chủ tịch
Khu di tích Phủ Chủ tịch là tên gọi tắt của Khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội từ năm 1954 đến năm 1969. Khu di tích có khoảng 1456 hiện vật, trong đó đang trưng bày 759 hiện vật. Trong khu di tích, nhà sàn gỗ là nơi Bác sống và làm việc trong khoảng thời gian dài nhất, từ giữa 5/1958 đến 1969. Đây là kiểu nhà sàn được chính Bác lựa chọn sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài ra, khu di tích còn có một số điểm di tích khác như nhà 54 là nơi Bác sống và làm việc từ 12/1954 đến giữa 5/1958; nhà 67 là nơi Bác làm việc từ năm 1967 đến 1969, nơi Bác chữa bệnh và qua đời; nhà bếp; nhà để hai chiếc xe ôtô mà Bác đã từng sử dụng; Phủ Chủ tịch; Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh. Hiện nay, Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính phủ vẫn là nơi làm việc của cơ quan Nhà nước.
Chùa Một Cột
Chùa Một Cột hay Chùa Mật còn có tên khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài sở hữu cấu trúc kiến trúc độc đáo với một cấu trúc hình vuông nằm trên một cột đá. Đó là điểm kiến trúc đặc biệt để chùa trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Nội.
Chùa nổi trên mặt hồ là nhờ vào một hệ thống những thanh gỗ tạo thành cấu trúc rắn chắc hỗ trợ, trông giống như một bông hoa sen mọc thẳng lên từ hồ.
Qua nhiều năm, chùa Một Cột đã được cải tạo, phục hồi nhiều lần qua các triều đại của nhà Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Chùa Một Cột hiện nay chỉ là một phần của quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu ngày xưa.
NHỮNG LƯU Ý KHI ĐẾN THAM QUAN BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH
Về trang phục: Trang phục phải lịch sự và nghiêm túc, không mặc quần áo quá ngắn hay mang tính chất phản cảm khi vào tham quan Bảo tàng.
Về hành vi, thái độ: Văn minh, lịch sự, không gây ồn ào, mất trật tự, đi nhẹ, nói khẽ, và xếp hàng theo thứ tự.
Không chụp ảnh tại khu vực cấm