Khách du lịch Costa Rica chính là chìa khóa cho nền kinh tế nơi đây. Dịch đã khiến thiên đường nghỉ dưỡng hoang vắng, trả lại vẻ nên thơ vốn có của miền đất xinh đẹp này. Nhưng đồng thời nơi đây phải đối mặt với nhiều vấn đề mới. Du lịch Costa Rica mùa vắng bóng tràn đầy vừa lạ vừa nao lòng.
Naima Montejo, chủ sở hữu của Surf Meds Caribe, trường dạy lướt sóng duy nhất do nữ điều hành ở bờ biển Caribbean chia sẻ: “Khách du lịch Costa Rica tạo ra sinh kế cho cả gia đình tôi, và cả cộng đồng nơi này.”
Khi mùa dịch ập đến Naima cùng mọi người đã xoay trở bằng việc quay lại với đời sống xa xưa. “Vì không còn nhiều tiền, nên chúng tôi chọn cách trao đổi hàng hóa”, Montejo nói. “Chúng tôi đã trồng trọt, và chăn nuôi trở lại. Những khu vườn cũ bắt đầu được tưới tắm, mọi người đang sống như một cộng đồng thật sự.”
Montejo sống ở Puerto Viejo de Talamanca, một thị trấn ven biển Costa Rica nổi tiếng về lướt sóng, những con lười ba ngón và một bãi biển đầy cát dài tám dặm, hiện vẫn đang bị cách ly. Với khí hậu nhiệt đới và sự pha trộn đa sắc tộc, nào là người Tico, người Châu Phi-Caribbean, người dân bản xứ và gần 70 quốc tịch khác đến làm ăn sinh sống. Điều đó tạo nên một đời sống văn hóa đa sắc như kính vạn hoa, tràn ngập hương muối và tiếng sóng vỗ bờ. Một sự rung cảm rất Caribbean, đầy sống động, ngang tàng và chân thực.
Phần lớn nơi này là khu bảo tồn thiên nhiên, phần còn lại, hiển nhiên là du lịch. Những người lớn tuổi trên hòn đảo thường hoài niệm về ngày xưa, khi bãi biển là đường độc đạo nối hòn đảo với cả thế giới. Rồi du lịch Costa Rica tỏa sáng, hòn đảo cũng trở thành một ngôi sao trên đấu trường thắng cảnh.
Nhưng rồi đảo Puerto Viejo đã bị đóng cửa từ ngày 16/3, khi Costa Rica tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tiếp theo là đóng cửa biên giới, các doanh nghiệp và bãi biển. Câu slogan ấn tượng ‘pura vida’ (nghĩa là cuộc sống thuần khiết), đã được đổi thành ‘quédate en casa’ (Hãy ở yên trong nhà).
Ngoại trừ một vài tiệm rượu còn bán “chui”, đa số cư dân trên đảo đã chấp hành nghiêm túc. Nhờ phản ứng nhanh nhạy mà đến nay Viejo vẫn chưa có ca mắc nào. Nhưng ví như gia đình Montejo, không có học sinh, không có lướt sóng, đồng nghĩa họ mất đi thu nhập chính. Sau nhiều năm, Montejo đã quay trở về với những nghề cô học từ bé, một thợ làm vườn và thiết kế cảnh quan. “Chỉ là mọi việc sẽ cực nhọc và tốn sức hơn”, Montejo nói.
“Du lịch và sinh kế địa phương là hai thứ không thể tách rời. Khách du lịch Costa Rica chiếm đến 99,5% nền kinh tế của chúng tôi. Các vùng khác có đồn điền, thương mại, cảng; Chúng tôi có ngành du lịch’, Ông Roger Sans cho biết. Ông Sans là người có vinh dự được trở thành chủ tịch của Cámara de Turismo y Comercio Caribe Sur một tuần trước khi biên giới đóng cửa. Sau khi phát động chiến dịch ‘quédate en casa’, ông đã mở một ngân hàng thực phẩm. Ngân hàng đã hỗ trợ thực phẩm cho hơn 1.000 gia đình.
“Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này”, Matías Llaituqueo, giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha trên đảo, đồng thời điều hành một nhà nghỉ nho nhỏ, cũng như vài khách sạn khác trên Airbnb. Anh chuyển đến Puerto Viejo từ Argentina 13 năm trước. Nhưng theo anh, nơi đây giờ như một thị trấn ma, những con phố tiêu điều hoang vắng, chẳng bù với vẻ đông đúc, sầm uất thường nhật.
“Bếp trưởng của chúng tôi đang giúp đỡ những người làm vườn, nhân viên tiếp tân của chúng tôi đang sơn ghế, và người quản lý thì hỗ trợ thiết lập ánh sáng trong rừng khi về đêm. Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp nhu yếu phẩm cho gia đình các em học sinh ở ngôi làng Manzanillo gần đó. Mọi người đang trong một guồng quay thật khác”, Elena Rohrmoser, quản lý chính của Aguas Claras cho biết.
Cả hòn đảo đang trong một guồng quay thật khác. Ảnh: Guardian
Trong tuần này, các khách sạn, nhà hàng và công viên quốc gia của Costa Rica đã mở cửa trở lại với lượng khách hạn chế, bãi biển có thể tham quan từ 5 giờ sáng đến 8 giờ sáng. Tuy nhiên phải mất khá lâu, hòn đảo mới trở về đông đúc. Shevonne Newton, một cư dân trên đảo đã thành lập Puerto Viejo Esenciales để giúp đỡ các ngân hàng thực phẩm trong các khoản như gas nấu và thức ăn cho vật nuôi, nhưng cô nhận thấy nhu cầu về thực phẩm của dân cư còn cấp bách hơn nhiều.
Becky Cliffe, người điều hành Tổ chức bảo tồn loài lười ở Puerto Viejo. Ảnh: Guardian
Thiên nhiên lại một lần nữa bị đe dọa. Becky Cliffe, người điều hành Tổ chức bảo tồn loài lười ở Puerto Viejo và có bằng tiến sĩ về loài này lo sợ. Tuy ít du khách hơn đồng nghĩa với ít tiếng ồn hay khói bụi từ xe hơn, ít khách du lịch quấy rối động vật. Nhưng mặt khác, cuộc khủng hoảng kéo dài có thể dẫn đến việc tàn phá thiên nhiên như: săn bắn, chặt cây để lấy gỗ – và các trung tâm cứu hộ bị mất thu từ du khách.
Hướng dẫn viên Abel Bustamante cũng đồng ý: “Nhiều chương trình bảo tồn bị đóng cửa vì không có tình nguyện viên. Chúng tôi đi đến bãi biển trước tiên để ngăn mọi người lấy trứng rùa về bán hoặc ăn chúng. Đáng buồn thay, trứng rùa có nghĩa là tiền hoặc thực phẩm, và bạn không nghĩ nhiều về việc bảo tồn khi bạn cần phải ăn.”
Một số dân cư khác lại nhìn sự việc theo hướng tích cực hơn. Theo họ cộng đồng đang bỏ ra thời gian và công sức để có thể ‘pura vida’ hết mức. Nhiều khu vực bên bờ biển bị xói mòn cũng khiến quyết tâm của họ gian nan hơn. “Trước đây chúng tôi thường hái xoài trên đường ra biển để lót dạ và lướt ván, tuy nhiên những cây xoài giờ đã biến mất. Chúng là bài học cho cả hòn đảo về tầm quan trọng của thiên nhiên, chứ không phải du lịch”, Montejo chia sẻ.
Cô cũng cho biết thêm sắp tới mình sẽ vô cùng bận rộn. Cô sẽ học cách điều hành một khách sạn thân thiện với môi trường, soạn giáo án dạy lướt sóng trong một thế giới đang giãn cách nhau. Và trước mắt, Montejo sẽ tham gia cùng hội lướt sóng trong thị trấn, những người bơi lội, người nuôi dạy chó và cả ngư dân trong cuộc hành hương từ 5 giờ sáng đến 8 giờ sáng mỗi ngày, tiến về vùng biển xanh bất khuất của Puerto Viejo. Cả hòn đảo đang tận hưởng những ngày đúng nghĩa Pura vida.
Danh Bùi Theo Báo Thể thao Việt Nam