Tôi tin rằng có nhiều người khi đến du lịch ở Hòa Bình, chưa hẳn đã được du ngoạn vẻ đẹp trác tuyệt, của non nước lòng hồ, nơi có bàn tay của tạo hóa và sức lực con người tạo ra vào những năm cuối của thế kỷ trước. Hồ Hòa Bình nằm ngay tại thành phố Hòa Bình, cách Thủ đô Hà Nội khoảng gần 80 km về phía Tây và các tỉnh lân cận. Ngày cuối tuần bạn có thể cùng gia đình đến thăm Hòa Bình và lên tàu du ngoạn lòng hồ, một ấn tượng khó quên trong đời. Mặt nước hồ bình thường trong xanh, soi bóng cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ làm ta có cảm giác như bồng bềnh lạc vào cõi tiên. Phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ, cùng những trải nghiệm trên tàu dạo trên lòng hồ thăm thú cảnh quan, các đảo nổi lên giữa mênh mông nước biếc; chiêm bái một địa chỉ tâm linh rất được nhiều người sùng tín, đó là Đền Bờ, động Thác Bờ…,cùng ở trên khu vực lòng hồ.
Phần đông du khách khi đến tham quan Hòa Bình đều có chung một ý tưởng, đó là được khám phá những điểm đến có một không hai ở tỉnh này như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, xây dựng từ năm 1979 đến 1994 với 8 tổ máy đạt công suất 1.920 MW; được lên dâng hương tưởng niệm tại Tượng đài Bác Hồ cao 18m bằng đá granit trắng trên đỉnh đồi ông Tượng. Rồi thăm nhà truyền thống nơi lưu giữ bức thư thế kỷ gửi thế hệ mai sau và đài tưởng niệm những công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô đã hy sinh trên công trình khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Khám khá những kỳ quan thiên nhiên tươi đẹp mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho khu vực lòng hồ trên sông Đà. Bạn cứ thử hình dung khi bạn đi thuyền tham quan lòng hồ và hai bên hồ, bạn đang ở trên mênh mông sóng nước của độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển. Theo số liệu chỉ tính riêng con đập chắn dòng chảy sông Đà đã có chiều cao từ đáy sông lên đỉnh đập là 128m, tương đương chiều cao của tòa nhà 35 tầng. Chiều dài trên mặt đập là 640m, nằm phía dưới lòng sông 300m 3 nữa. Cả một khối lượng nước hơn 9 tỷ m3 được chứa ở đây đã tạo cho hồ Hòa Bình trở thành túi nước khổng lồ và một cảnh quan được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”, có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng những điểm tham quan tâm linh, văn hóa, du lịch nổi tiếng như: Đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên…
Cách không xa đập chính là động Thác Bờ nằm ở sườn núi phía Bắc trong dãy núi Chúa bên bờ hồ Hòa Bình, thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc). Vào mùa nước cạn, du khách sẽ leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động nhưng mùa nước đầy, du khách có thể đi từ thuyền sang nhà nổi, qua cầu phao được kết bằng thân cây bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng trong lòng động. Cửa động cao tới 25m, rộng 20m, lòng động gập ghềnh, nhấp nhô chỗ rộng, chỗ hẹp. Động được chia làm nhiều tầng, với những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được thiên nhiên tạo ra kỳ lạ và bí ẩn, đường nét uyển chuyển, mềm mại lung linh soi bóng nước… Đặc biệt, tạo hóa ban tặng nơi đây một dàn đàn đá, dàn cồng chiêng Mường tuyệt mỹ từ thạch nhũ…
Xung quanh lòng hồ chứa đựng hàng trăm đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông, đó là: đảo Dừa, đảo Bè Bạn, đảo Cối Xay Gió… Trong đó, đảo Dừa, điểm du lịch mới đang thu hút đông đảo du khách. Những ngôi nhà sàn lớn xây dựng theo kiến trúc cổ truyền người Mường phân bố theo các khu vực khác nhau được dùng làm chỗ nghỉ, chỗ ăn cho khách muốn nghỉ lại. Xung quanh đảo, gần sát mép hồ còn có những ngôi nhà sàn nhỏ gọn nằm quay mặt ra phía hồ được dựng để dành riêng cho khách du lịch đi nghỉ theo gia đình. Đặc biệt, du khách có thể tự do hái quả tại các vườn cây ăn quả hoặc bơi thuyền thăm các đảo xung quanh, tắm, câu cá… Ngoài vẻ đẹp tự nhiên vùng hồ, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng do chính gia đình ở đảo nuôi, trồng, chế biến theo cách thức, gia vị truyền thống riêng của người dân địa phương như: cá hun khói, rau rừng đồ chấm lòng cá được chế biến theo lối truyền thống, rất ngon và độc đáo. Ngay đến việc thưởng thức thịt lợn cỏ luộc, chấm muối hạt dổi, ăn với xôi nương và măng luộc ở Hòa Bình sẽ làm bạn có cảm nhận rất riêng với món này giữa chốn ẩm thực đa dạng, phong phú của núi rừng Tây Bắc…
Hồ Hòa Bình nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để khai thác tốt thế mạnh đó, đang là điều đòi hỏi ngành Du lịch Hòa Bình phải có những giải pháp dài hơi, chiến lược, cùng những đầu tư thỏa đáng phát triển cơ sở hạ tầng vệ tinh, cùng các trang thiết bị đủ chuẩn như tàu du lịch trên lòng hồ, cũng như mở rộng liên kết với các tỉnh thành trong khu vực và cả nước. Việc thiết kế những tour khám phá hợp lý với khách trong và ngoài nước cùng hết sức cần thiết ngay từ bây giờ. Rồi một kế hoạch bài bản dài hơi, vừa để khai thác phát triển du lịch tại chỗ, vừa bảo vệ được môi trường sinh cảnh cho lòng hồ và đảm bảo an ninh, an toàn cho công trình thủy điện quan trọng, cũng như du khách khi đi du lịch lòng hồ, một cách chuyên nghiệp…
Mời bạn hãy một lần đến Hòa Bình và du lịch lòng hồ, chắc rằng bạn sẽ nhớ mãi trong đời về lần khám phá, trải nghiệm có một không hai đó, trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.