“Mỗi một góc phố Roma đều cần một cuốn sách để viết về nó. Mỗi một viên đá lót đường đều có thể kể một câu chuyện. Mỗi vòi nước mát chảy ngày đêm trong những khu phố cổ cũng có thể kể vài ba giai thoại… Những bức ảnh về Roma mà tôi đã chụp ròng rã trong nhiều năm bỗng trở nên khô khan vì không thể nào diễn tả hết vẻ đẹp của nó.”
– Trương Anh Ngọc –
A Gift from Rome. Timelapse & Hyperlapse. Italy. Vatican from Kirill Neiezhmakov.
Lịch sử đã để lại cho Roma một kho tàng di sản văn hoá khó có thành phố nào có thể sánh bằng. Cả Roma là một bảo tàng vĩ đại, nơi mỗi hòn đá trong đống đổ nát của những thành quách La Mã cổ xưa đều ẩn chứa cái hồn của hơn 3.000 năm lịch sử. Nơi mỗi góc phố đều có một câu chuyện riêng, mỗi người Roma đều có thể kể vài ba giai thoại cho mỗi đài phun nước. “Mọi con đường đều dẫn về thành Rome”, mỗi địa danh chỉ cần một thời hoàng kim đã đủ để lại cho hậu thế một thành phố di sản. Chẳng có đâu như Roma, luôn là cái rốn của thiên hạ, trung tâm của văn hoá phương Tây suốt hơn 3 nghìn năm. Trước khi là thủ đô của nước Ý thống nhất, Roma là trung tâm của đế chế La Mã thời cực thịch, rồi là nơi các Đức Giáo hoàng chọn đặt Toà thánh Vatican, thành thủ đô của Đạo Công giáo La Mã.
Roma có sông Tevere chảy ngang qua, chia thành phố thành hai nửa không bằng nhau, mỗi bên bờ đều có một trái tim của kinh đô cổ. Theo truyền thuyết, Roma của các vị hoàng đế La Mã được xây dựng trên 7 quả đồi nằm bên hữu ngạn ( Aventino, Celio, Campidoglio, Esquilino, Palatino, Quirinale, Viminale). Phía bên kia sông là Roma của những Đức Giáo hoàng, thành Vatican, thánh đường San Pietro, pháo đài Castel Sant’Angelo, đất thánh của những người Thiên chúa giáo. Nối hai trái tim này là hàng ngàn con phố nhỏ, hợp thành những khu, được chia cách nhau bởi các đại lộ lớn. Những con phố nhỏ ấy thường có những đặc điểm chung: hẹp, ngắn, và thường lát đá, tưởng chạy dài mãi trước khi bỗng mở ra cả một không gian rộng lớn của những quảng trường; những nhà thờ, những dinh thự nguy nga và những đài phu nước theo lối kiến trúc Phục hưng cùng chen chúc. Những con phố nhỏ và những đại lộ lớn, những ngôi nhà nhỏ và những công trình rất lớn, cái hiện đại và cái cổ kính cùng hoà quyện nhau đến chặt chẽ trong thành phố này.
Roma đẹp nhưng không tráng lệ. Có nhiều người chê Roma luộm thuộm nữa. Nhưng cái hấp dẫn nhất ở thành phố này chính là ở đó, ở cái hồn latinh, cái tinh thần “la Dolce Vita”, cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái, sáng khoái theo phong cách Ý. Roma hớp hồn tôi bởi tiếng bánh xe Vespa lộp cộp gõ trên những con đường đá, ở sự tinh tế của họ của cô phục vụ bàn của quán Caffè Greco trong bộ vest cắt may không thể khéo hơn. Tôi có thể ngồi cả buổi để ngắm cái phong thái đó. Kể gì thêm nữa về Roma? Không có gì khó khăn bằng việc tổ chức một hành trình khám phá Roma khi chỉ có thể dành cho nó ít ngày: có quá nhiều thứ để xem và quá ít thời gian để dừng chân tại tất cả các điểm hấp dẫn. Bài viết này chắc chắn không thể chỉ ra cho các bạn được một hành trình tối ưu để khám phá thành phố, mà chỉ xin được ghi lại những cảm nhận, những điều mắt thấy, tai nghe. Bốn ngày tại Roma, tưởng đã được đi, nghe, xem, cảm nhận rất nhiều; nhưng về đến nhà vẫn thấy còn có quá nhiều thứ đã bỏ lỡ.
Nằm lọt thỏm giữa Roma, Vatican với vỏn vẹn diện tích 44 hécta và chưa đến 1000 dân là quốc gia nhỏ bé nhất thế giới. Nơi ở của những Đức Giáo hoàng, Vatican là đất thánh của người Thiên chúa giáo, cũng có thể coi là trung tâm và biểu tượng của nền văn hoá Tây phương. Vatican cũng có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật Phục hưng, khó có thể có một quần thể kiến trúc nào sánh được với toàn thành Vatican, là niềm tự hào và nơi hướng về của hơn một tỉ con chiên đạo Thiên chúa.
Là đất hành hương của toàn bộ người theo đạo, cũng như bất kỳ ai đến du lịch Roma để chiêm ngưỡng những kiệt tác của lối kiến trúc Phục hưng: Đại thánh đường San Pietro cùng nhà nguyện Sixtine, tác phẩm để đời cũng những nghệ sĩ bậc thầy, kỳ tài của kỷ phục hưng nước Ý, Michelangelo, Raphael, Bramante, Bernini … Nơi mỗi một chi tiết nhỏ đều là một kiệt tác. Chính vì vậy, Vatican thường bị quá tải khách thập phương viếng thăm, nhất là vào các dịp lễ Tôn giáo.
Tham quan Vatican có thể chia làm ba khu vực chính :
Đại thánh đường và quảng trường San Pietro (tham quan miễn phí)
Mái vòm của Đại thánh đường San Pietro
Bảo tàng Vatican cùng nhà nguyện Sixtine.
Có hai nơi cần phải lưu ý để tránh bị xếp hàng rất lâu khi tới thăm Vatican là khu vực kiểm tra an ninh để vào Đại thánh đường San Pietro cũng như khu vực kiểm tra an ninh và vào mua vé ở Bảo tàng Vatican. Ngoài việc có quá đông khách du lịch đến viếng thăm, việc kiểm tra an ninh rất kỹ càng (Vatican là một trong những điểm du lịch được kiểm tra an ninh cẩn thận nhất, Giáo hoàng đã từng bị ám sát, cũng như sự đe doạ của các phần tử cực đoan v.v.), cũng khiến cho thời gian xếp hàng thường rất lâu. Để tránh cho việc mỗi lần xếp hàng đã mất 2-3 tiếng, 4-6 tiếng tổng cộng nếu muốn tham quan cả hai nơi; rồi sau đó khi vào tham quan, vì quá đông du khách nên chỉ thấy toàn người với người chứ không thăm thú được gì cả, hành trình mà tôi khuyên mọi người là nên mua vé online (skip the line – không phải xếp hàng) cho bảo tàng Vatican ( Link mua vé), rồi tham quan bảo tàng và nhà nguyện Sixtine trong buổi sáng. Nếu không cầu kỳ, có thể ăn uống gì nhẹ nhàng, rồi tranh thủ buổi trưa, khi tất cả các khách đi tour đều đi ăn, để xếp hàng kiểm tra an ninh qua bên Thánh đường San Pietro. Xếp hàng buổi trưa tương đối vắng hơn, thường mất tầm 15 phút cho đến nửa tiếng.
Khách đi tour là lượng khách đông đảo nhất và nên tránh nhất khi đi tham quan Roma. Ngoài khách đi tour bằng xe car, còn có khách đi tour bằng tàu Cruise, mỗi tàu đổ vài nghìn khách đến tham quan tại một điểm, thường khách xuất phát từ tàu sau bữa sáng và vào đến Roma tầm 10 giờ. Kinh nghiệm đi Rome của chúng tôi vào mùa hè là dậy sớm đi tham quan, vừa mát mẻ và vắng vẻ, luôn đi trước khách đi tour một bước. Sau đó vì đoàn đi lần này có người cao tuổi, nên cho các bác, các cụ ăn uống và về khách sạn nghỉ trưa, đợi chiều mát mẻ, khách đi tour cũng đã về tàu, mà châu Âu ngày hè tắt nắng rất muộn, có thể đi chơi đến khuya, để ta tham quan tiếp.
Mẹo nhỏ :
Bảo tàng Vatican : Cổng vào ở phía Bắc của thành Vatican, Viale Vaticano, 00165 Roma Website và link mua vé. bến metro gần nhất – bến Ottaviano. Như đã nói ở trên, hành trình mà chúng tôi khuyên là nên mua vé online, rồi đến trước 9 giờ để là những người đầu tiên vào thăm quan bảo tàng cùng nhà nguyện Sixtine trong buổi sáng. Vé vào bảo tàng giá 16€ nếu mua tại chỗ, 20€ nếu mua online (giá năm 2016). Với những bạn trẻ trên 6 tuổi và dưới 18 tuổi, cũng như các bạn có thẻ sinh viên quốc tế dưới 25 tuổi thì được mua vé nửa giá 8€. Do rất đông người cùng đăng kí mua vé online nên loại vé này thường hết. Đợt đi Rome vừa rồi, chúng tôi phát hiện ra, tại đại sảnh đường chỗ cửa lớn của Đại thánh đường San Pietro cũng bán vé skip the line cho Bảo tàng Vatican (giá đắt thêm 5€, thành 25€ so với mua online), nhưng vẫn rẻ hơn rất nhiều mua của dân phe vé. Đây cũng là phương án hay với những ai không kịp mua vé online, và không có điều kiện dậy sớm để xếp hàng. Hành trình nếu thế thì đảo ngược lại, buổi sáng tham quan Basilica di San Pietro, lúc đi ra thì mua vé skip the line sang bên bảo bàng. Địa điểm bán vé tôi có đánh dấu ở bản đồ phía dưới.
Nếu các bạn đến Vatican chỉ để với mục đích tham quan du lịch, tôi khuyên nên tránh ngày chủ nhật (bảo tàng Vatican đóng cửa), cũng như ngày thứ 4, đó là ngày Đức Giáo hoàng làm lễ. Nếu không đi công du, hàng tuần Đức Giáo hoàng sẽ có hai lần xuất hiện trước công chúng, mỗi sáng thứ 4 lúc 10 giờ đích thân ngài làm lễ, và trưa ngày chủ nhật ngài ban phước cho đám đông. Để dự buổi lễ do Đức Giáo hoàng vào sáng thứ tư, bạn phải rút vé từ chiều thứ ba hôm trước tại văn phòng của Đội cận vệ Thuỵ Sĩ (khu vực cổng đồng – Bronze Gate), ngay sau khi qua khu vực kiểm tra an ninh để vào Đại thánh đường San Pietro (xem vị trí trên bản đồ). Hai ngày đó thường Vatican đông khách hành hương nhất để tất cả tín đồ Công giáo đều muốn đến chiêm bái vị Giáo chủ của mình.
Cũng nên tránh tham quan vào ngày thứ hai. Đây là ngày các bảo tàng khác ở Roma đóng cửa, mọi khách du lịch đều đổ dồn về đây.
Từ mái vòm của Đại thánh đường San Pietro (Thánh Phêrô), bạn sẽ có một góc để ngắm 360° về Roma cùng toàn thành Vatican tuyệt đẹp từ trên cao. Lối lên nóc của mái vòm nằm ở phía tay phải của Đại thánh đường. Có hai loại vé để leo lên đó, 7€ nếu bạn chọn đi một phần bằng thang máy (vẫn phải leo bộ 320 bậc), và 5€ nếu đi thang bộ hoàn toàn (551 bậc). Phần cuối của cuộc hành trình là những cầu thang nhỏ. Tuy cảnh vô cùng đẹp, vô cùng đáng lên, nhưng đây là hoạt động nên cân nhắc với các đoàn có trẻ nhỏ và người cao tuổi
Đặc biệt, bảo tàng Vatican mở cửa miễn phí vào sáng chủ nhật cuối cùng hàng tháng.
Đại thánh đường thánh Phêrô, trung tâm, biểu tượng cho Giáo quyền của Giáo hội công giáo La Mã, được xây dựng tại vị trí đặt mộ thánh Phêrô, một trong những tông đồ của Đức chúa Jesus, là giám mục đầu tiên của Giáo phận Roma, được coi là vị Giáo hoàng đầu tiên của đạo Thiên chúa. Được xây dựng trong thời kỳ cực thịnh của nghệ thuật Phục hưng Ý, phải mất hơn một thế kỷ, các tổng công trình sư, lần lượt là những nghệ sĩ kỳ tài của kỷ Phục hưng như Bramante Michelangelo rồi Bernini mới có thể hoàn thành công trình này. Có thể dùng từ kì quan với Basilica di San Pietro : kỳ vĩ, vĩ đại và hoành tráng, nhưng không vì thế mà có cái thô cứng của khái niệm chỉ cần to nhất dài nhất. Đại thánh đường xứng đáng là niềm tự hào, là biểu tượng cho Đức tin của hơn một tỉ tín đồ Công giáo
Còn bên bảo tàng Vatican, bạn sẽ bước vào một cuộc hành trình dài 7km để khám phá kho tàng nghệ thuật vô giá mà rất nhiều đời Giáo hoàng đã tạo dựng trong nhiều thế kỷ. Cái đinh của cuộc Hành trình chắc chắn là nhà nguyện Sixtine, với hai tuyệt phẩm của Michelangelo. Bức “Ngày phán xét cuối cùng” có kích thước 200 mét, đối xứng với bàn thờ Chúa, nơi ông để diễn tả Đức chúa ngự trên ngai vinh hiển phẫn nộ phán xét mọi loài trong ngày phán xét chung. Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là loạt tranh vẽ trên trần của nhà nguyện. Các bức tranh thuật lại quá sáng tạo vũ trụ từ thuở ban đầu theo kinh thánh cho đến thời trận lụt Đại Hồng Thủy.
Chúa phân rẽ ánh sáng ra khỏi bóng tối.
Chúa tạo ra mặt trời, mặt trăng và thảo mộc trên trái đất.
Chúa tạo dựng nên con người. Ngài giơ tay đụng đến con người để ban thần khí cho thân xác con người. Thiên Chúa sáng tạo người nữ từ cạnh sườn của Adam đang ngủ say.
Adam và Evà bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng vì đã phạm tội.
Noe dâng lễ tế Chúa.
Trận lụt Đại Hồng Thủy.
Cơn say của Noe.
Nhà nguyện Sixtine cũng là một trong những nơi thiêng liêng nhất tại Vatican. Nơi đây là nơi các Hồng y Giáo chủ họp bàn và cầu nguyện mỗi lần bầu một vị Giáo hoàng mới. Tại bảo tàng, tôi còn vô cùng ấn tượng với căn hộ của giáo hoàng Pius II được trang trí bởi Raphael. Tại đây, hoạ sĩ đã hoàn thành tác phẩm quan trọng nhất của mình ( Trường học Athena – “La scuola di Atene”). Các triết gia cổ đại Hy Lạp quan trọng nhất đều được phác hoạ, mỗi người chỉ bằng một chi tiết để biểu hiện trường phái và khái niệm triết học đặc trưng của mình.
Sau một ngày rất dài ở Vatican, vẫn còn một điểm gắn liền với lịch sử của Vatican để tham quan, nhưng ngày nay đã nằm ngoài phạm vi lãnh thổ kiểm soát bởi Toà thánh – Pháo đài Thiên thần ( “Castel Sant’Angelo”). Hiếm có nơi nào ngắm hoàng hôn Roma trên sông Tevere đẹp như từ sân thượng của Pháo đài. Với đoàn chúng tôi, điểm này được rời sang chương trình ngày hôm sau.
Bản đồ các điểm tham quan trong Vatican
Ngày thứ nhì : Roma cổ đại – hữu ngạn sông Tevere
Ngày thứ hai, tôi bắt đầu một ngày từ rất sớm khám phá bên bờ hữu ngạn sông Tevere. Từ đài phun nước Trevi khi trời mới nắng. Từ “tre vie” có nghĩa là ba con phố. Vị trí đặt đài phun nước là nơi có ba con phố tụ thành. Không có một bộ phim nào về Roma mà các cặp tình nhân không xuất hiện cùng nhau tại đài phun nước. Tôi đã xem rất nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển về Roma: La Dolce Vita của đạo diễn Fellini, Roman Holiday với vai diễn của cô đào Audrey Hepburn, hay gần đây là bộ phim của Woody Allen – To Rome with Love. Những góc quay về Roma không thể nào đẹp và lãng mạn hơn, nhưng tôi có cảm giác thành Rome mà tôi được thấy còn tuyệt hơn thế nữa. Có thể do ta ngửi thấy, cảm nhận và sờ thấy được nó. Một truyền thuyết kể nếu quay lưng lại và tung một đồng xu xuống đài phun nước bằng tay phải, ta sẽ trở lại Roma để tìm lại nó.
Không cần đi bộ xa lắm từ đài phun nước Trevi để đến các điểm khác trong khu trung tâm cổ của Rome. Chỉ cần băng qua con phố chính Via del Corso, đi bộ thêm vài bước chân là tới Cung điện Palazzo Montecitorio, nơi đặt Hạ nghị viện Ý. Xuôi thêm tí tẹo nữa thôi về Nam, đến Piazza della Rotonde là Điện Pantheon, công trình La mã cổ đại nguyên vẹn nhất còn bảo tồn được. Cũng không thể nào bỏ lỡ quảng trường Piazza Navona, quảng trường theo nghệ thuật baroque đẹp nhất Roma, vốn xây dựng trên nền trường đua ngựa cũ, dài và hẹp, vào thăm nhà thờ Sant’Agnese in Agone, rồi tiếp bước qua Campo de’ Fiori, nơi có khu chợ muôn màu của khu phố cổ.
Điểm tham quan chính của ngày là khu vực Roma cổ đại. Quần thể chính bao gồm Đấu trường Colosseum – Foro Romano và đồi Palatino. Ba địa điểm này bán vé chung vào tham quan. Chẳng cần giới thiệu nhiều về Colosseum, biểu tượng của Roma, nơi khiến ta luôn tự hỏi sao bằng phép thuật nào con người cổ đại cách ta hai nghìn năm có thể dựng nên một kỳ quan như vậy.
Ngay cạnh đó là Foro Romano, trái tim cũ của thành phố, chính giữa và Via Sacra ( “con đường thiêng liêng”), nơi các vị tướng quân La Mã được toàn thành Rome đón mừng khi ca khúc khải hoàn trở về. Còn cái khởi nguồn của Roma lại nằm trên đồi Palatino. Chuyện xưa kể Roma cổ xưa do hai anh em Romulus và Remus thành lập năm 753 trước Công nguyên. Cha của họ là Thần chiến tranh Mars và mẹ là thần Venus. Cha mẹ đã bỏ họ vào nôi thả trôi trên sông Tevere, nôi trôi dạt vào chân đồi Palatino. Tại đây, họ sống sót do được một chó sói cái cho bú sữa sau đó được một người tiều phu mang về nhà nuôi . Do vậy mà biểu tượng của thành phố Roma là hình ảnh con chó sói cái cho hai đứa trẻ bú sữa. Tại đồi Palatino họ đặt những viên gạch đầu tiên xây thành Rome.
Rời quần thể phế tích Roma cổ đại quanh Colosseum, ta cũng nên dọc theo đường Via dei Fori Imperiali, lên đồi Campidoglio, hay mua vé lên sân thượng của đài tưởng niệm Il Vittoriano, ở đó ngắm nhìn tổng quan lần cuối về khu di tích.
Mẹo nhỏ :
Sau bữa trưa muộn, để tránh cái nắng gắt đầu hè tại Roma, chúng tôi về nghỉ trưa trước khi quay lại thăm thú lúc cuối chiều. Như đã nói, hiếm có nơi nào ngắm hoàng hôn Roma trên sông Tevere đẹp như từ sân thượng của Pháo đài Castel Sant’Angelo. Trong suốt bao thế kỷ, Vatican đã dùng địa điểm này từ một khu lăng mộ thành một pháo đài, rồi khu nghỉ mát của Giáo hoàng, sau thành nhà tù giam cầm những kẻ tà đạo, trước khi thành một bảo tàng như ngày nay. Cầu Ponte Sant’Angelo, với hai hàng tượng thiên thần, như hai đoàn hộ tống, chào đón đoàn người từ hữu ngạn tiến về phía pháo đài. Đứng trên cầu lúc hoàng hôn dần buông trên thành phố, những giọt nắng cuối cùng dần tắt trên gương mặt những thiên thần, với bóng của Đại thánh đường San Pietro từ đằng xa, tôi đứng nhớ lại tất cả những con đường hôm nay đã bước chân qua, hình như tôi đã không ném đồng xu nào xuống đài phun nước Trevi lúc sáng, vì tôi tin, tôi thực sự tin, tôi sẽ còn quay trở lại.
Ngày cuối : Villa Borghese – đồi Pincio.
Ngày cuối cùng tại Roma, chúng tôi gần như dành trọn vẹn cho lá phổi xanh của thành phố – Công viên Villa Borghese trên đồi Pincio. Vốn là dinh thự cũ của dòng họ Borghese, gia đình của Giáo hoàng Paul V, một trong những gia tộc danh giá và hùng mạnh nhất nước Ý. Bộ sưu tập nghệ thuật của dòng họ, được trưng bày trong lâu đài Galeria Borghese, được đánh gia là một trong những bộ sưu tập tư nhân đáng xem nhất Thế giới. Trong công viên, còn nhiều bảo tàng mở cửa tự do cho khách tham quan, như bảo tàng về nhà điêu khắc Paolo Canonica.
Mẹo nhỏ :
Buổi chiều muộn, đứng từ công viên nhìn về thành phố. Mặt trời khuất dần phía chân trời. Những ngôi nhà mái đỏ ối, những tháp chuông nhà thờ cũng đàng chìm dần trong tối hè Italia. Chẳng có lời chia tay nào đẹp hơn. Thành phố này, thật khó để có thể yêu, có rất nhiều người sẽ chẳng bao giờ yêu, nhưng nếu trót yêu rồi, ta sẽ là những kẻ chung tình nhất.
Buổi tối cuối cùng tại Roma, từ đồi Pincio, có thể theo những bậc cầu thang theo lưng đồi xuống quảng trường Piazza del Popolo ngay phía dưới, rồi theo đại lộ Condoti, dừng chân thử một tách ca-phê tại tiệm Caffe Greco không thể nào sang (đắt), đẹp và ngon hơn, trước khi nếu may mắn kiếm được một chỗ ngồi nhâm nhi với bạn bè trên những bậc cầu thang Spanish Steps. Tiếc thay, trong khoảng thời gian chúng tôi ở Rome, Spanish Steps đang đóng cửa sửa chữa.
Hệ thống giao thông công cộng ở Roma không quá đắt so với các thành phố lớn khác. Phương tiện công cộng tại Roma do hãng ATAC quản lý ( www.atac.roma.it). Mỗi vé lẻ cho một lần đi một phương tiện giao thông công cộng là 1,5€ (một lượt đi metro hay 100 phút đi bus). Do khu vực trung tâm của Roma có rất nhiều phế tích cổ đại còn chưa được khai quật, dẫn đến việc thành phố chỉ có 2 tuyến tàu điện ngầm. Việc di chuyển trong khu trung tâm đa phần dùng xe bus. Có hai tuyến bus nối các điểm du lịch chính là tuyến số #64 (Từ ga Termini, đi qua quảng trường Venezia (bến Corso Vittorio Emanuele II – chỗ khu La Mã cổ đại) trước khi đến Vatican). Hay tuyến bus nhanh số #40, có hành trình gần như tương tự (xuống ở bến Piazza Argentina để tham quan đài phun nước Trevi, Pantheon, hay quảng trường Navona). Ngoài vé lẻ, về vé ngày ở Rome có thể chia ra làm nhiều loại chính sau (giá năm 2016)
Vé 24 giờ (‘Biglietto 24 ore’) – giá 7€
Vé 48 giờ (‘Biglietto 48 ore’) – giá 12.5€
Vé 72 giờ (‘Biglietto 72 ore’) – giá 18€
Vé tuần (‘Carta Integrata Settimanale’) – giá 24€
Các công trình tham quan chính của Rome tập trung theo từng cụm : Vatican – Khu La Mã cổ đại quanh đấu trường Colosseum v.v. mà vé lé tương đối rẻ (1.5€ có giá trị trong vòng 100 phút), nên tôi khuyên hoàn toàn có thể không cần mua vé ngày khi đi tham quan Roma.
Lưu ý :
Tại Roma, tài xế xe bus không bán vé trên xe. Nên lưu ý mua vé trước tại các nhà ga hay các quầy bán báo. Đã có những bạn không biết trước, lên xe không mua được vé, xe đã chạy nên cứ để kệ thế mà tiếp tục đi, sau bị kiểm tra và bị phạt.
Với những người mê ẩm thực (dùng từ này thì to tát quá – đồ ăn Ý đúng hơn) như tôi, những ngày ở Roma quả là thiên đường. Với những ai yêu thành phố này, họ sẽ luôn chắc nịch có ba thứ chẳng ở đâu hơn được thành phố Vĩnh cửu : Kem, cà-phê và mỳ Ý. Tôi hay chọn những quán Osteria, quán ăn gia đình, đồ ăn đơn giản nhưng ngon, thường được trang trí tối giản, bàn gỗ phủ khăn trải bàn ca-rô, trong bếp là những bí quyết gia truyền từ đời này sang đời khác. Về kinh tế, cho đến giữa thế kỷ 20, nước Ý có những bước phát triển chậm hơn các nước Tây Âu khác, người Italia phải đi di cư khắp nơi. Trong ẩm thực của họ cũng vậy, vẫn có nét của lối ẩm thực “cucina povera” – cách nấu bếp cho người nghèo, những món mì Ý chẳng cần thịt thà gì cả, chỉ cần với sốt cà chua – “pomodoro” cũng đã đủ ngon tuyệt. Vào các quán osteria, nên hỏi họ xem món đặc biệt trong ngày là gì. Vì bình thường, đó là cách gọi món rẻ nhất, đồng thời đảm bảo đồ rất tưới, với những thực phẩm mới đi chợ trong ngày.
Lưu ý :
Tại Ý, rất nhiều nhà hàng thu thêm phí dịch vụ tính theo đầu người (gọi là pane e coperto – có thể dịch là tiền cho bánh mì và dao dĩa). Tất nhiên là nếu bạn không động vào bánh mì, và ba người gọi một món ăn chung, hoặc chỉ một người ăn và các người còn lại ngồi chơi, thì các nhà hàng vẫn tính tiền dịch vụ cho cả ba người đầy đủ. Tiền dịch vụ này thường dao động từ 0,5 cents cho đến 4€ cho mỗi khách, nhiều khi còn đắt hơn nữa tại những khu đông khách du lịch. Vậy nên phải lưu ý kỹ đến vấn đề này khi chọn quán.
Trong tiếng Pháp, để nói về những người làm kem Ý, họ dùng từ “les maitres glaciers Italiens” – nghĩa là những bậc thầy hay những nghệ nhân. Như tôi đã viết ở trên, có ba thứ chẳng ở đâu hơn được thành phố Vĩnh cửu : Kem, cà-phê và mỳ Ý. Nếu hỏi bất kỳ người Roma nào về tiệm kem mà họ thích nhất, chắc chắn trong đa số đó sẽ chỉ cho ta tiệm kem trong khu phố của họ. Điều này nói lên rằng không quá khó để kiếm được một tiệm kem ngon trong cố đô La Mã. Hãy ăn nhiều nhất có thể, mọi lúc mọi nơi, cho bõ cái nắng mùa hè Italia.
San Romano 2 Via San Romano, Rome Airbnb. bến Tiburtina. Một căn hộ rất thích hợp với đoàn đông người. Căn hộ tương đối rộng rãi, tầm 80 mét vuông, cách bến metro Tiburtina 10 phút đi bộ. Nhà ga Tiburtina là điểm khá thuận tiện để đi tham quan Roma. Có tàu đi thẳng ra Đấu tường Colosseum hay Vatican, có bus đi thẳng đến đầu hết các điểm du lịch khác của thành phố. Ga Tiburtina cũng là một nhà ga lớn ở Rome, có tàu cao tốc đi thẳng về các tỉnh, có tàu thẳng ra sân bay Fiumicino, cũng như đây cũng chính là nơi đặt bến xe khách chính của Roma. Căn hộ 2 phòng ngủ, một phòng khách lớn, hai phòng tắm, rất sạch sẽ, đẹp, mới và đầy đủ tiện nghi (máy giặt, điều hoà, wifi, v.v.), có thể ngủ tổi thiểu 6 người.
Giảm giá :
Lưu ý :
Tại Roma, khi thuê khách sạn hay airbnb, bạn thường phải tính thêm thuế lưu trú 3,5€ theo mỗi đầu người/mỗi đêm. Khoản tiền này thường nộp tại chỗ khi lấy phòng.
Lưu ý :
Roma còn có một đặc sản nữa, đây là địa bàn hoạt động mạnh mẽ của dân bỉ vỏ, làm “nghề hai ngón”, móc túi. Luôn cẩn thận với túi xách và giấy tờ của bạn, không nên đặt túi ở trên ghế khác hay dưới đất trong quán xá. Về giấy tờ tuỳ thân, nếu có thể, nên để lại trong khách sạn và chỉ mang theo trong người bản photocopy. Có nhiều kịch bản cổ điển thường được dùng: Ném đồ bẩn vào túi xách hay người bạn, để bạn phải cởi túi xách ra để phủi bụi, trong lúc lơ là sẽ bị nẫng. Nên cảnh giác cao độ tại Roma.
Bài viết : Trần Việt Dũng Ảnh : Phạm Hoàng Hưng
About the author: Trần Việt Dũng
V I V U E R – H A N O I A N in L Y O N