Núi Hàm Rồng Sapa là một ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với ý nghĩa “hàm của rồng”. Hàm Rồng là một trong số ít các núi ở Việt Nam có yếu tố tượng hình rõ nét và đẹp.
Đến với núi Hàm Rồng du khách không những được tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ của đất trời mà còn được thưởng thức không khí trong lành, mát mẻ của khí trời Sa Pa.
Du khách đến Sapa không thể không đến núi Hàm Rồng. Ở đây, du khách như được trò chuyện với đá, với cỏ cây, với gió hoang và mây trời. Được hòa mình vào cảnh sắc ngất ngây của tạo hóa, được sống trong khung cảnh thần tiên giữa chốn trần gian.
Núi hàm rồng nằm ở đâu Sapa?
Núi Hàm Rồng nằm ngay sát trung tâm thị trấn Sapa, nằm ngay phía sau Nhà thờ đá Sapa. Bạn đi bộ đoạn ngắn từ thị trấn, ngang qua những quán nước, hàng ăn, quầy lưu niệm… là tới cổng núi Hàm Rồng. Ở đây, bạn mua vé tham quan và bắt đầu khám phá theo ý thích.
Giới thiệu một chút về núi Hàm Rồng:
Núi Hàm Rồng có cốt cao độ điểm thấp nhất tại phía Nam 1.450m và điểm cao nhất là 1.850m. Địa hình với góc dốc trung bình khoảng 30º.
Giờ mở cửa: 07:00 AM
Giờ đóng cửa: 18:00 PM
Giá vé tham quan núi hàm rồng Sapa
Thời điểm tôi tham quan núi Hàm Rồng là vào khoảng giữa năm 2017. Khi đó giá vé tham quan núi hàm rồng là: 70.000đ/người, với trẻ em dưới 1,2m thì giá vé là 20.000đ/trẻ.
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, mát mẻ. Khu du lịch sinh thái Núi Hàm Rồng ở Sapa còn cung cấp rất nhiều dịch vụ thú vị như: dịch vụ tham quan lưu trú, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí…
Đường lên đỉnh núi hàm rồng Sapa
Đoạn đường lên núi là những bậc bằng đá, hai bên là cây cối xanh mát, thỉnh thoảng bắt gặp những tảng đá có hình thù kỳ dị. Cứ đi tiếp du khách sẽ đến vườn hoa trung tâm nằm giữa khu du lịch sinh thái Hàm Rồng với muôn loài hoa đang đua nở, nào cẩm tú cầu, đào Nhật Bản, thạch anh tím…
Trên đường đi du khách sẽ đi qua các cổng trời, du khách sẽ thẳng tiến tới Sân Mây – địa điểm đẹp nhất của khu du lịch núi Hàm Rồng Sapa.
Trên đường tới Sân Mây, du khách phải lách qua ngách đá rất hẹp, cảm giác như đi vào hang động. Khi đặt chân lên sân mây, du khách sẽ phải choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ mở ra trước mắt:
Lên được Sân Mây xem như là đã chinh phục được núi Hàm Rồng. Vị trí này là độ cao hoàn hảo để ngắm nhìn toàn cảnh Sapa chìm trong sương mù. Du khách có thể quay lại con đường bên kia ngách đá để lên trạm viễn thông Hàm Rồng – Nơi cao nhất của đỉnh núi.
Truyền thuyết về núi Hàm Rồng Sapa
Ngọn núi này mang tên Hàm Rồng bởi chính hình dáng một chú rồng mà đuôi gác lên Cổng trời, giáp với xã Hầu Thào và Sa Pả, phần đầu nằm ngay thị trấn Sapa.
Hàm Rồng có nghĩa là “Hàm của Rồng“. Nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy “hàm răng Rồng” khổng lồ hướng về phía Tây Nam đỉnh Hoàng Liên Sơn.
Có lẽ, ngày nay không ai còn nhớ truyền thuyết về núi Hàm Rồng ở Sapa có từ bao giờ. Sự tích này được người dân bản địa kể lại rằng:
Vào thời khai thiên lập địa, khi mà mọi sinh vật đều sống hỗn độn trong bùn đất. Ngọc Hoàng ban sắc lệnh: Tất cả mọi sinh vật còn sống sót trong bùn lầy hãy tự lập lấy địa phận của mình.
Lệnh vừa ban, các loài sinh vật tranh nhau chỗ ngụ cư. Lúc đó còn lại 3 anh em nhà Rồng đang sinh sống trong cái hồ lớn, được tin này nhìn sang hướng đông đã bị chiếm hết chỗ. Ba anh em chạy về hướng Tây còn rộng hơn giành được địa phận cho mình.
Hai người anh lớn khoẻ nên chạy nhanh hơn, ở đó chờ người em. Vì yếu nên người em chạy chậm, không nhìn thấy hai anh, nên đã lạc vào đám đông toàn là sư tử, hổ, báo, gấu… đang giành nhau địa phận. Nhìn thấy đám sinh vật quái ác kia, người em sợ quá rùng mình, co người, há mồm để tự vệ.
Vừa lúc đó lời ban của Ngọc Hoàng đã hết thời hạn, thân hình người em út nhà Rồng hoá thành núi đá, có dáng đầu ngẩng cao, mồm há, nhe răng. Và hai người anh nhà Rồng cũng hoá thành đá, hình dáng đó vẫn còn cho tới ngày nay.
Giờ đây, nếu ta đứng ở Sâu Chuô (xã Sa Pả) quan sát sẽ thấy rất rõ hình ba dãy núi nhỏ giống như ba con Rồng trên khu núi Can Thàng.
Hai con quay về hướng Lào Cai, đó là hình ảnh hai người anh nhà Rồng. Một con nhìn sang dãy Hoàng Liên Sơn, đó là hình ảnh người em nhà Rồng. Còn cái ao tiếng địa phương gọi là “Pangl Kruôr” nơi ba anh em nhà Rồng trước đây ở nay là khu Lam Đường.
Với người địa phương, truyền thuyết về núi Hàm Rồng Sapa tựa như một chuyện thật và được linh thiêng hoá như một vị thần, có công tạo nên dãy núi Can Thàng ngày nay.
Đã từ lâu, mỗi khi Tết đến, các bậc già làng, trưởng họ ở địa phương xung quanh đều mang lễ vật đặt vào trong hàm con rồng cúng Thổ thần.
Khi ghé Sapa, du khách thường dành nửa ngày để khám phá đỉnh núi này. Các bậc thang bằng đá dài đưa ta vào không gian núi rừng thoáng đãng và tiếng chim muông hót vang.
Dọc đường đi là những chiếc xích đu đẹp mắt để bạn có thể nghỉ chân. Vườn lan với đủ chủng loại từ khắp dãy Hoàng Liên Sơn tụ tập về đây khoe sắc.