(ĐCSVN) – Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch vừa thông báo không sử dụng logo ngôi sao ngũ sắc và slogan “Sự khác biệt Á Đông” cho du lịch Việt Nam giai đoạn tới. Chiến dịch mới lấy ý kiến cho việc bầu chọn logo và slogan thể hiện sự quyết tâm, bản lĩnh nhìn nhận và sửa đổi trên tinh thần cầu tiến, vì một thương hiệu phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Thiếu một tầm nhìn
Logo và Slogan “Sự khác biệt Á Đông”
Giải nhất logo và slogan du lịch Việt Nam đã được trao cho công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Cowan với biểu tượng lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi sao năm cánh, nhưng ngay sau đó đã gặp phải nhiều ý kiến phản hồi của các cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, việc sử dụng loại phông chữ (font) cũng không mấy phù hợp. Có thể nhà thiết kế đã cố gắng đạt hàm ý tính văn hóa, lịch sử, dân tộc khi sử dụng loại nét chữ uốn cong, tuy nhiên, đây chỉ là một biểu tượng mang tính tượng trưng và đối tượng nhắm tới lại là số đông khách du lịch, chứ không phải là nhà ngôn ngữ hay họa sỹ mà bản thân trong số họ không phải ai cũng có thể luận ra được ý nghĩa sâu xa của nó. Thêm nữa, nét chữ uốn lượn bay nhảy dường như có vẻ “mềm yếu” trước một du lịch Việt Nam tràn đầy sức sống, lớn mạnh về tiềm năng, đang nố lực vươn lên là một ngành công nghiệp không khói mũi nhọn của quốc gia.
Slogan “Vietnam- Sư khác biệt Á Đông” nửa Việt nửa Anh cũng mang đến sự hồ nghi về hàm ý không rõ ràng của các nhà thiết kế khi gợi nhiều liên tưởng đến sự khác biệt văn hóa, con người nhiều hơn đến thế mạnh thiên nhiên, du lịch của Việt Nam. Chủ đề nhà thiết kế đưa ra dường như hướng đến tầng lớp trẻ, ưa khám phá, mạo hiểm nhiều hơn là số đông thích tour nghỉ dưỡng, v.v. Thêm nữa, việc sử dụng những từ như “Different” (khác biệt) và “Orient” (Phương Đông) gợi lên sự huyền bí và khác biệt của Việt Nam, tuy nhiên, người ta lại không hiểu được sự khác biệt Á Đông ở đây là gì.” Đó là chưa nói đến, việc chuyển ngữ “Vietnam-Different Orient” thành “Sự khác biệt Á Đông” cũng là điều gây bàn cãi vì nó, theo một nhà ngôn ngữ học, “nên được hiểu là một Phương Đông khác mà thôi”. Ngoài ra, mạo từ “a” cũng không nên dùng ở đây khi mà Việt Nam là một nước cụ thể, một thực thể đã xác định.
Việc tạo dựng Logo và slogan thể hiện sự thiếu tầm nhìn của du lịch Việt Nam. “Lẽ ra ngay từ lúc đầu chúng ta nên có một kế hoạch, chiến lược hành động cụ thể, rõ ràng cho việc xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu hợp với thế mạnh, mục tiêu của du lịch Việt Nam. “- ông Vũ Hoàng Ân, giám đốc công ty Du lịch Cầu Vồng chia sẻ.
Logo mới- Tạo dựng như thế nào?
Bây giờ đã là thời điểm giữa năm, việc logo và slogan đang gây tranh cãi là việc nằm ngoài kế hoạch và tạo ra một logo mới phù hợp với thế mạnh, mục tiêu của ngành là việc phải làm dù rằng hơi muộn. Sáng tạo logo chỉ là một việc nhỏ, tuy nhiên đây là một khâu rất quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam, là hình ảnh tượng trưng thể hiện sự quyết tâm chạy đua đường dài của ngành du lịch.
Bởi vậy, việc tạo dựng logo nên có một định hướng rõ ràng, phải có đề thi và lời giải cụ thể. Nên chọn biểu tượng thân thuộc, dễ nhận biết làm hình ảnh đại diện. Kế đến là yếu tố màu sắc mang tính đặc trưng, thu hút, mang chất biểu cảm về cá tính dân tộc và định hướng phát triển, sau cùng chính là slogan phải ý nghĩa, xúc tích và dễ hiểu, dễ nhớ, nghe thuận tai. Thạc sỹ Hoàng Hữu Phước, Tổng giám đốc công ty Thương mại Mỹ Á cho rằng, “nét độc đáo bản sắc của Việt Nam không chỉ là những kỳ quan, những cảnh đẹp, những phế tích mà quốc gia nào cũng có, thậm chí có nhiều hơn, toàn vẹn hơn, và đẹp hơn, mà đặc biệt là khí phách và hào khí đã và đang được chứng minh thật hào hùng, thật ngập tràn kỳ tích trong lịch sử suốt hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Phải nhận diện nét độc đáo này mới biến Việt Nam đích thị là “uniquely”(độc đáo), là “amazing” (ngỡ ngàng), là “incredible” (lạ kỳ), là “sparkling”(sinh động), là “wonderful” (tuyệt hảo), là “fascinating” (đầy mê hoặc), và do đó, là truly Asia (một Châu Á đích thực), nét tiêu biểu nhất của toàn Châu Á: Luôn vươn lên trong khí thế và ngạo nghễ tồn tại vững mạnh trước sự lấn lướt triền miên của thế lực Phương Tây”.
Steven Groff, một người Mỹ sống lâu năm ở Việt Nam rất am hiểu du lịch cũng nhấn mạnh thêm rằng, logo không cần đến quá nhiều màu sắc, thực ra chỉ cần một hay hai màu chủ đạo là ổn, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào sự sáng tạo, phá cách trong ý tưởng của nhà thiết kế. Có thể dùng màu xanh của cây lúa và màu vàng của rơm làm logo, vì cây lúa rất gần gũi với người dân Việt Nam hơn nữa hai màu sắc này sẽ tạo nên sự phối màu rất ấn tượng, ấm áp và mời gọi. Slogan phải gợi được tại sao đó là một điểm đến, vì sự hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, thắng cảnh hay một cái gì đó khác nữa. Một số slogan khác có thể dùng cho Việt Nam đó là ” Vietnam – the new Orient ” (Việt Nam- một Á Đông mới mẻ) hay “VietNam- the new exotic” (Việt Nam- một Á Đông đẹp kỳ lạ).
Một số nước trong khu vực đã rất thành công trong việc tạo dựng logo và slogan tiếp thị rất hiệu quả mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm, như “Amazing Thailand” (đẹp ngỡ ngàng), Ấn Độ “Incredible India” (đẹp ngất ngây), Malaysia “Fascinating Malaysia” (đẹp quyến rũ và lôi cuốn); Singapore “Uniquely Singapore” (Singapore đẹp độc đáo); Cambodia – Kingdom of Wonder (Campuchia vương quốc kỳ quan); WOW Philippines… Về biểu tượng Campuchia chọn hình ảnh Angkor Wat; Đài Loan mượn hình ảnh toà nhà 101 v.v. Đây đều là những logo và slogan ngắn gọn, xúc tích nhưng lại đầy chất mỹ thuật, thể hiện nét độc đáo riêng có .
Cuối cùng, “trước khi quyết định lựa chọn logo và slogan ngành du lịch nên công bố hay trưng cầu ý kiến, đánh giá rộng rãi của các chuyên gia, các doanh nghiệp v.v. Và một khi đã quyết định thì chiến lược quảng bá phải đồng loạt trên tất cả các phương tiện, muốn hay không muốn vẫn phải làm, chứ hiện nay đã vào hè, gần hết nửa năm vậy mà ngành du lịch vẫn chưa có cái gì để quảng bá cho năm” – ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm lữ hành quốc tế Ha Noi Redtour cho biết.
Hi vọng rằng, cuối cùng ngành du lịch cũng sẽ xây dựng được một logo và slogan mới xứng đáng mong mỏi của toàn dân, tạo đà phát triển mới cho ngành du lịch Việt Nam cất cánh vươn xa tầm khu vực.