Những sự kiện thể thao gắn với du lịch thường mang lại khoản doanh thu khổng lồ, góp phần quảng bá hình ảnh mỗi quốc gia.
Du lịch thể thao đang là xu hướng phát triển của ngành du lịch trên toàn cầu. Loại hình này đem đến cho du khách những trải nghiệm, sự tham gia hoặc xem các hoạt động thể thao được tổ chức tại địa điểm du lịch nổi tiếng.
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để đầu tư theo xu hướng này, tuy nhiên thực tế chưa có sự gắn kết chặt chẽ khi tổ chức du lịch kết hợp với thể thao để cùng phát triển.
Sức hút của du lịch thể thao
Du lịch kết hợp thể thao thường mang lại khoản doanh thu khổng lồ, góp phần quảng bá hình ảnh mỗi quốc gia. Theo báo cáo của tổ chức SportBusiness Group (Anh), du lịch thể thao là một trong những phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất của ngành du lịch. Ở một số quốc gia, các sự kiện thể thao đã mang lại khoảng gần 30% tổng nguồn thu của ngành này.
Sức hấp dẫn của du lịch thể thao đó là không bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như văn hóa, giới tính hay trình độ. Thị trường của loại hình này cũng hướng tới mọi đối tượng. Điều này đã giúp việc tổ chức du lịch kết hợp với thể thao mang lại những trải nghiệm mới cho du khách, nâng cao chất lượng chuyến đi và hơn thế là tăng cường nhận diện thương hiệu địa phương.
Đặc biệt loại hình du lịch thể thao này sẽ vô cùng thu hút những tín đồ yêu thích thể thao, khám phá khi họ vừa có thể trải nghiệm vùng đất mới vừa luyện tập, rèn luyện sức khỏe.
Giờ đây khái niệm du lịch không chỉ bó buộc trong kỳ nghỉ dưỡng, tham quan bình thường mà còn kết hợp với khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa vùng miền thông qua nhiều hoạt động như leo núi, chạy bộ,…
Với sức hút mạnh mẽ của loại hình du lịch thể thao, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những định hướng tập trung khai thác sức nóng của các giải đấu thể thao cho việc quảng bá hình ảnh, văn hóa của địa phương. Điển hình như giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de France) kéo dài 3 tuần được tổ chức hàng năm có thể thu hút vài triệu cổ động viên trong suốt 2.500 dặm đua.
Ngoài ra đại hội thể thao Olympic mỗi kỳ có thể đem lại hành triệu lượt khách du lịch cho các quốc gia đăng cai tổ chức trong khoảng thời gian diễn ra sự kiện. Từ đó hình ảnh điểm đến, văn hóa của quốc gia được quảng bá sâu rộng và có hiệu quả.
Tiềm năng phát triển du lịch thể thao của Việt Nam
Với địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi, Việt Nam có nhiều điều kiện và tiềm năng để tổ chức các sự kiệnthể thao gắn với du lịch. Riêng ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc, những cung đường đèo uốn lượn hay hẻm núi hùng vĩ đã thu hút nhiều tín đồ du lịch thể thao mạo hiểm. Một số địa danh nổi bật có thể kể đến như Fansipan (Lào Cai) cao 3.143m, Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu) cao 3.045m, Tà Xùa (Sơn La) cao 2.865m,…
Ngoài ra tại một số địa điểm, các hoạt động thể thao như chạy bộ, đua xe đạp địa hình, dù lượn đã được đầu tư tổ chức như đường đèo Mã Pì Lèng , dốc 9 khoanh cua M (Hà Giang), đèo Khâu Phạ (Yên Bái) hay Ô Quy Hồ (Lai Châu). Bên cạnh đó địa hình nhiều sông suối, thác ghềnh của Việt Nam cũng thích hợp để tổ chức các hoạt động đua thuyền, vượt thác, bơi lội.
“Du lịch thể thao đang trở thành một trong những xu hướng quan trọng của du lịch toàn cầu. Các sự kiện thể thao là đối tượng thu hút đông đảo khách du lịch tới các địa điểm tổ chức, tạo ra tác động lớn cả về kinh tế và xã hội. Du lịch kết hợp với thể thao trên phạm vi toàn cầu đang tăng trưởng nhanh gấp hai lần mức tăng trưởng của du lịch nói chung”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định.
Mặc dù nhu cầu hoạt động du lịch thể thao của khách hàng trong và ngoài nước ngày càng lớn, lĩnh vực du lịch kết hợp với thể thao ở Việt Nam vẫn còn khá mới bởi chưa có chiến lược phát triển toàn diện.
Bởi vậy, từ vị thế là điểm đến an toàn, lý tưởng sau thời dịch bệnh, Việt Nam cần khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực phù hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch thể thao để xúc tiến quảng bá hình ảnh quốc gia, thúc đầy đà phục hồi của ngành du lịch.
Ngọc Diễm Theo Báo Thể thao Việt Nam