Top 4 # Xem Nhiều Nhất Vùng Du Lịch Tây Nguyên Mới Nhất 3/2023 # Top Like | Tuvanduhocsing.com

Du Lịch Vùng Tây Nguyên

Du lịch Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tài nguyên du lịch

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích 54.641,0km², chiếm 16,8% diện tích cả nước; không chỉ là một cao nguyên duy nhất mà bao gồm hệ thống cao nguyên liền kề với độ cao trung bình từ 500 – 1.500m. Nơi đây hàm chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng to lớn có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch.

Về tài nguyên thiên nhiên, Tây Nguyên tập hợp nhiều cao nguyên, khu bảo tồn tự nhiên và các vườn quốc gia với nhiều loài cây cảnh, cây dược liệu làm thuốc, các thảm thực vật nhiều tầng phong phú, đa dạng cùng các loài động vật hoang dã quý hiếm. Đặc biệt, Vườn quốc gia Chư Mom Ray và KonKaKinh được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc mang đậm nét Tây Nguyên.

Do nằm đầu nguồn của hệ thống các dòng sông Đồng Nai, sông Ba; đồng thời do cấu tạo của địa hình thiên nhiên bị chia cắt mạnh với những dãy núi lớn như Ngọc Linh (Kon Tum), An Khê (Gia Lai), Chư Yang Sin (Đắk Lắk)… nên Tây Nguyên có nhiều thác nước có cảnh quan tự nhiên đẹp, hấp dẫn như: Đray Sáp, Đray Nur, Đray Hlinh, Prenn, Trinh Nữ – Gia Long, Cam Ly, Phú Cường, Pongour, Datanla… Bên cạnh đó, Tây Nguyên có hệ thống hồ như: hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ, hồ AyunHạ (Gia Lai), hồ Xuân Hương, hồ Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng) và nhiều con suối khoáng nóng như như suối Konnit, Kon Đào, ĐắkRing, suối Ngọc Tem, suối khoáng Đạ Long… là điều kiện để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và du lịch khám phá thiên nhiên.

Bên cạnh những cánh rừng đại ngàn, nguồn trữ lượng khoáng sản phong phú chưa được khai thác. Tây Nguyên còn có những trang trại cà phê, chè, cao su, hồ tiêu rộng lớn trải dài từ các cao nguyên hợp phần xuống tận khu vực miền Đông Nam Bộ.

Tài nguyên thiên nhiên của Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú với hệ thống các cao nguyên hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên đẹp rực rỡ và những thác nước, non cao, suối nguồn, hồ nước lớn tạo nên sự trù phú cho vùng đất Tây Nguyên. Đây chính là những tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu hệ sinh thái rừng Tây Nguyên, du lịch khám phá tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên với những nét đặc thù riêng mà ít nơi nào có được…

Về tài nguyên văn hóa, Tây Nguyên là vùng đất đa sắc tộc, đa văn hóa, nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, mang đậm những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tây Nguyên có một hệ thống các buôn, bon cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số hiện còn lưu giữ và bảo tồn những cấu trúc văn hóa mang đặc điểm riêng biệt của mỗi tộc người, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những nơi này hiện còn bảo tồn và phát huy được các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như nghề dệt vải thổ cẩm, nghề đẽo – tạc tượng, nghề đan lát mây tre…. Đây chính là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người Tây Nguyên…

Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là hệ thống các lễ hội đặc sắc, là nơi bảo tồn và trao truyền các tri thức, các giá trị văn hóa truyền thống quý báu thông qua các hoạt động văn hóa, phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng như: văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà rông, nhà dài, nhà gươl, văn hóa ẩm thực, văn hóa thổ cẩm, văn hóa sử thi, văn hóa diễn tấu nhạc cụ, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của các tộc người Tây Nguyên…

Bên cạnh việc xây dựng và hình thành các tour tuyến du lịch trọng điểm, các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển hệ thống khách sạn, xây dựng các cơ sở lưu trú để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Với một nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa giàu có như vậy, mặc dù các tỉnh Tây Nguyên đã biết khai thác lợi thế từ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa để phát triển nhiều loại hình du lịch phù hợp với từng vùng đất, từng địa phương, từng tộc người, nhưng trên thực tế du lịch các tỉnh Tây Nguyên còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ du lịch còn ở mức độ thấp, chậm so với mặt bằng chung của các địa phương trong cả nước.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ sở lưu trú chậm phát triển chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách; các sản phẩm du lịch còn nghèo, chưa hấp dẫn; chưa tạo dựng được mối liên kết giữa các địa phương trong vùng và các địa phương khác để phát triển du lịch; cơ sở hạ tầng chưa ổn định và phát triển, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu, chưa có kỹ năng nghề cao cũng như còn hạn chế về tin học, ngoại ngữ nên khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách…

Giải pháp phát triển Du lịch Tây Nguyên

Để Du lịch Tây Nguyên có sự phát triển bứt phá, cần thực hiện một số nội dung:

Một là, ưu tiên phát triển du lịch từ khai thác lợi thế tài nguyên của Tây Nguyên, đẩy mạnh các hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác, phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên văn hóa Tây Nguyên để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác

Hai là, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương trong vùng; chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm nét Tây Nguyên như du lịch nghiên cứu khám phá rừng, khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm văn hóa Tây Nguyên, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…; tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch hoạt động có hiệu quả trong thực tế.

Ba là, tăng cường mở rộng liên kết trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Du lịch Tây Nguyên cần mở rộng liên kết với các tỉnh miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh để kết nối thành các tour, tuyến tạo ra thị trường du lịch rộng lớn, có tác dụng kích cầu du lịch nhằm thu hút khách cho du lịch vùng Tây Nguyên, đặc biệt là ổn định lượng khách du lịch nội địa và hướng tới thu hút lượng khách quốc tế có mức chi tiêu cao.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức, am hiểu về phong tục tập quán và biết tiếng dân tộc của đồng bào để phục vụ du khách; tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch.

Năm là, phát triển Du lịch Tây nguyên phải đảm bảo hỉệu quả kinh tế và phát triển văn hóa xã hội; có cơ chế bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường văn hóa, khuyến khích các hình thức du lịch có trách nhiệm cùng hưởng lợi, cùng chia sẻ lợi ích từ các bên tham gia để đảm bảo xây dựng, bảo tồn và phục hồi các giá trị về môi trường sinh thái, các giá trị văn hóa và phát triển du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tài nguyên thiên nhiên – di sản văn hóa của Tây Nguyên là một kho tàng vô giá và nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Việc phát triển các loại hình du lịch để góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo là ưu tiên cần thiết, nhưng cần đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho đồng bào nhưng phải có phương án bảo vệ môi trường, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại di sản văn hóa, phá vỡ nếp sống văn hóa tộc người vốn đa dạng phong phú nhưng rất nhân văn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

TS. Trần Thị Tuyết Mai

Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Vùng Tây Bắc

Cánh đồng lúa Cao Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái) là điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh: THANH CHƯƠNG

Chiếm một phần ba diện tích cả nước với số dân gần 11 triệu người, Tây Bắc là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với không gian văn hóa rộng lớn, phong phú. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ và hệ sinh thái đa dạng như cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, đỉnh Phan-xi-păng, đèo Mã Pí Lèng…; và nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Đền Hùng, Đền Thượng, Khu di tích Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa… Bên cạnh đó, một nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc các dân tộc được thể hiện qua những phong tục tập quán: lễ hội Lồng Tồng, Chợ Tình Khau Vai, Xên Bản, Xên Mường…; qua các điệu dân ca, dân vũ như múa sạp, múa xòe, hát then…; qua kiến trúc nhà ở, trang phục, nhạc cụ… Tây Bắc còn là nơi sở hữu hai di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Có thể nói, mảnh đất trù phú này vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ngờ, thú vị. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành và địa phương, du lịch Tây Bắc đã có sự tăng trưởng đáng mừng về lượng khách quốc tế và nội địa với mức tăng trung bình hơn 10%/năm. Năm 2013, số lượt khách quốc tế đến Tây Bắc đạt 1,2 triệu lượt (chiếm 16% trong 7,57 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng gần ba lần so với năm 2005); lượng khách nội địa đạt hơn 6,5 triệu lượt trong tổng số 35 triệu lượt khách du lịch nội địa cả nước. Năm 2014, Tây Bắc đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1,5 triệu lượt. Năm 2015 số khách du lịch đạt 8,9 triệu lượt, khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt.

Những năm qua, dù sản phẩm du lịch các địa phương đã hoàn thiện hơn nhưng giao thông trong vùng còn chưa đồng bộ. Mạng lưới giao thông đường bộ hiện nay đã trải nhựa, thông suốt nhưng chất lượng không đều. Các địa phương cũng không quan tâm đến đường thủy trên sông Gâm, sông Năng, sông Đà dài hàng trăm km. Đây là rào cản lớn đối với sự phát triển của du lịch địa phương, đồng thời làm ảnh hưởng đến sự hợp tác chung của cả khu vực, điều này cần sớm khắc phục. Bà Trần Thị Việt Hương – Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel cho biết, khách đi tua Tây Bắc thông qua Vietravel có sự tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Mùa thấp điểm mỗi tuần có hai, ba đoàn; mùa cao điểm dễ xảy ra hiện tượng cháy phòng. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có mức giá ổn định hơn. Địa phương cũng cần tăng cường đầu tư về phòng khách sạn ở mức hai, ba sao là phù hợp nhất. Về truyền thông, Tây Bắc nên có những phim chuyên đề về thiên nhiên, ẩm thực, con người để doanh nghiệp mang đi chiếu tại các hội chợ quốc tế; phối hợp các đại sứ quán nhằm giới thiệu văn hóa vùng Tây Bắc tới các thị trường ngoài nước.

Vấn đề đồng bộ hạ tầng, liên kết phát triển là những nội dung sẽ sớm được thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và doanh nghiệp; nhưng làm thế nào để phát triển du lịch mà vẫn giữ được văn hóa bản địa, môi trường tự nhiên trong cuộc sống của người dân mới là thách thức. Đây cũng là băn khoăn của Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, bởi theo ông, văn hóa bản địa vùng là cơ sở để địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó xây dựng tuyến liên kết, tạo động lực phát triển du lịch vùng. Tây Bắc cần chú trọng phát triển loại hình du lịch homestay để không phá vỡ không gian của người dân, thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu về du lịch Tây Bắc và bộ sản phẩm; từ đó thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng Tây Bắc được phát triển, đồng bộ là điều đáng quan tâm.

Liên Kết Hợp Tác Trong Phát Triển Du Lịch Vùng Tây Nguyên

Trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của WTO, vấn đề “Liên kết, Hợp tác và Hội nhập” có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cả quốc gia, của mỗi vùng và của mỗi địa phương. Đối với sự phát triển của du lịch Vùng Tây Nguyên cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Trước hết, phát triển du lịch Tây Nguyên trong mối liên, kết hợp tác quốc tế và khu vực phải nằm trong chiến lược liên kết, hợp tác quốc tế chung của du lịch cả nước. Đồng thời, Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với các vùng khác như Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ, với tuyến du lịch “Con đường di sản Miền Trung”, với tuyến du lịch Xuyên Á nối Việt Nam với các nước Đông Dương và xa hơn là với các nước trong khối ASEAN và quốc tế…, do vậy “Liên kết, Hợp tác và Hội nhập” là chiến lược rất quan trọng đối với sự phát triển du lịch của Vùng Tây Nguyên.

Muốn liên kết, hợp tác có hiệu quả trong phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên, thì trước hết việc liên kết và hợp tác giữa các tỉnh trong Vùng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Việc liên kết, hợp tác này trước hết nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển… Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao cho toàn Vùng…, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch của Vùng Tây Nguyên. Đối với Vùng Tây Nguyên, nơi mà các giá trị về tài nguyên (nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên các sản phẩm du lịch) và các điều kiện khác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh là tương đối tương đồng, do vậy việc liên kết hợp tác này càng có ý nghĩa trong việc thực hiện tốt những mục tiêu phát triển chung của toàn Vùng.

Việc liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản sau:

– Liên kết và hợp tác phát triển du lịch trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, mang lại hiệu quả và cùng có lợi giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành trên cùng một địa phương, giữa các địa phương trong vùng, giữa Vùng Tây Nguyên với các vùng lãnh thổ khác trong cả nước cũng như trong khu vực và quốc tế.

– Liên kết và hợp tác phát triển du lịch phải bổ sung khắc phục những hạn chế, phát huy những thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương trong Vùng nhằm tạo được sức cạnh tranh chung về du lịch của Vùng so với các vùng lãnh thổ khác.

2. Phạm vi, nội dung và hình thức liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch 2.1. Liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng Tây Nguyên

2.1.1. Nội dung liên kết, hợp tác

+ Liên kết, hợp tác trong xây dựng các chương trình du lịch (tour du lịch) chung của toàn Vùng: Bên cạnh việc chủ động xây dựng và phát triển các chương trình du lịch riêng mang tính đặc thù của mỗi địa phương (theo chiến lược phát triển du lịch của mỗi tỉnh), các tỉnh trong Vùng cần phối hợp xây dựng các chương trình du lịch chung của toàn Vùng trên cơ sở những định hướng đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

+ Liên kết, hợp tác trong đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng: Sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng cần được xây dựng trong chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một thực tế là việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch ở hầu hết các địa phương ở Tây Nguyên còn dàn trải, thiếu tập trung để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao; đầu tư còn thiếu sự hợp tác giữa các địa phương nên dẫn đến sự trùng lặp về sản phẩm. Kết quả là gây lãng phí trong đầu tư và làm suy giảm sức hấp dẫn du lịch chung của toàn Vùng cũng như làm gia tăng sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Chính vì vậy, việc hợp tác trong nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng, tránh sự trùng lặp về sản phẩm là hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi các địa phương trong Vùng phải có sự hợp tác chặt chẽ. Cụ thể đối với mỗi loại sản phẩm du lịch cần liên kết hợp tác giữa các địa phương như sau:

– Du lịch nghỉ dưỡng núi và hồ, du lịch chữa bệnh phục hồi sức khỏe: Với loại sản phẩm du lịch này, một số tỉnh trong Vùng Tây Nguyên có lợi thế để phát triển như Lâm Đồng với các khu du lịch Đan Kia Suối Vàng, Tuyền Lâm; Kon Tum với khu du lịch Măng Đen… Đây đều là những khu du lịch quốc gia, có khí hậu trong lành (ôn đới trong lòng nhiệt đới), có cảnh quan đẹp gắn liền với các giá trị văn hóa bản địa…, có thể đầu tư xây dựng thành các khu du lịch nghĩ dưỡng tầm cỡ trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, đây là những khu du lịch có các giá trị tài nguyên tương đồng, do vậy cần phải có sự liên kết, hợp tác giữa Lâm Đồng và Kon Tum trong việc xây dựng quy hoạch, mô hình kiến trúc xây dựng, quy mô đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng để tránh trùng lặp…, có như vậy thì mới tạo ra được tính hấp dẫn du lịch và khả năng cạnh tranh.

– Du lịch tham quan thắng cảnh: Hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đề có nhiều thắng cảnh đẹp, hấp dẫn (các rừng thông; các nông trường cà phê, cao su; hệ thống thác nước; đèo núi hùng vĩ; các buôn làng dân tộc gắn với các Nhà Rông, Nhà Dài, Nhà Sàn, Nhà Mồ… mang tính đặc trưng riêng của Tây Nguyên). Để khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên này thì đòi hỏi các tỉnh trong Vùng cần có mối liên kết hợp tác để xây dựng thành các sản phẩm du lịch vừa mang những nét riêng cho địa phương, nhưng lại mang dấu ấn chung cho toàn Vùng. Có như vậy mới tránh được sự trùng lặp, tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh.

– Du lịch nghiên cứu sinh thái ở các vườn quốc gia và các khu bảo tồn: Các tỉnh ở Tây Nguyên đều có vườn quốc gia và các khu bảo tồn tự nhiên với các hệ sinh thái đa dạng và phong phú, trong đó có những hệ sinh thái điển hình. Đây là những giá trị tài nguyên rất đặc sắc và là thế mạnh của Tây Nguyên để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch nghiên cứu các hệ sinh thái. Tuy nhiên, để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái có hiệu quả, hấp dẫn, không trùng lặp giữa các vườn quốc gia, thì các Ban quản lý vườn quốc gia nói riêng và các tỉnh trong vùng nói chung cần liên kết hợp tác trong quy hoạch, xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái, đầu tư phát triển sản phẩm riêng biệt (chuyên nghiên cứu về voi ở Yok Don, tham quan nghiên cứu về sâm Ngọc Linh…) để tạo thành một “sản phẩm chung” cho toàn Vùng.

– Du lịch văn hóa gắn với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên: Giá trị văn hóa bản địa là nét đặc trưng riêng của Tây Nguyên, là sự khác biệt so với các vùng khác trong cả nước. Đây là một lợi thế so sánh để khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù riêng của Tây Nguyên. Tuy nhiên, các giá trị văn hóa này lại có ở hầu hết các tỉnh trong Vùng, do vậy để tránh trùng lặp giữa các địa phương trong việc khai thác phát triển sản phẩm du lịch, cần thiết phải có sự liên kết và hợp tác giữa các tỉnh để xây dựng những sản phẩm du lịch có chất lượng, mang hình ảnh chung của toàn Vùng. Trước hết, các tỉnh cần tập trung liên kết hợp tác trong việc đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch. Đây sẽ là sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc Tây Nguyên (là sản phẩm du lịch chung cho tất cả các tỉnh trong Vùng). Ngoài ra, mỗi tỉnh cần khai thác các giá trị đặc trưng riêng của mình để xây dựng các sản phẩm du lịch, tránh trùng lặp (ví dụ, các sản phẩm du lịch gắn với hình ảnh Nhà Rông, Nhà Mồ là nét đặc trưng của Kon Tum, Gia Lai; gắn với hình ảnh Nhà Dài là nét đặc trưng của Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; các sản phẩm du lịch gắn với hình ảnh Voi Bản Đôn là nét đặc trưng riêng của Đắk Lắk…).

+ Liên kết, hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao: Nguồn nhân lực du lịch của các tỉnh trong Vùng Tây Nguyên còn thiếu về số lượng, yếu kém về chất lượng, do vậy liên kết, hợp tác trong đào tạo là rất quan trọng. Đây là một nội dung hợp tác nhằm nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý, của các nhân viên phục vụ du lịch trên cơ sở khai thác các lợi thế về vị trí và tiềm năng của của mỗi địa phương trong Vùng. Thông qua sự hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, và tạo ra được một mặt bằng chung về chất lượng sản phẩm du lịch trong Vùng, qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

+ Liên kết, hợp tác trong xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến, xây dựng thương hiệu để giới thiệu hình ảnh du lịch Vùng Tây Nguyên như một điểm đến hấp dẫn: Đây là một nội dung liên kết, hợp tác quan trọng cần sớm được triển khai trong thực tế bởi kết quả của sự liên kết, hợp tác này sẽ đem lại nhiều lợi ích chung, đồng thời giảm được chi phí cho quảng bá xúc tiến của mỗi địa phương.

– Cam kết hợp tác chính thức về du lịch giữa Chính quyền (UBND tỉnh), giữa cơ quan quản lý chuyên ngành ở các địa phương trong Vùng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với một số chính sách ưu tiên đặc thù.

– Hợp đồng liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch ở các tỉnh trong Vùng với sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương.

– Các Hiệp hội Du lịch ở các tỉnh trong Vùng là cầu nối trong liên kết hợp tác để bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.

– Nghiên cứu thành lập Ban điều phối phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên để chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch toàn vùng.

Trong các nội dung và hình thức hợp tác trên, tỉnh Lâm Đồng với TP.Đà Lạt là trung tâm du lịch của Vùng cần đóng vai trò tiên phong, thường xuyên chủ trì và hỗ trợ các tỉnh còn lại trong phát triển, mặc dù nguyên tắc của quan hệ liên kết hợp tác giữa các địa phương là bình đẳng và cùng có lợi.

2.2. Liên kết, hợp tác giữa vùng Tây Nguyên với các vùng du lịch khác, đặc biệt là hướng ra biển

Sự phát triển của du lịch Tây Nguyên không thể tách rời với sự phát triển của du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Các tỉnh Tây Nguyên không có biển, trong khi đó các tỉnh ven biển nước ta (29 tỉnh, thành phố/63 tỉnh, thành phố cả nước) chiếm tới trên 70% số lượt khách du lịch cũng như các chỉ tiêu chủ yếu khác (thu nhập, cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động, đầu tư…) của toàn ngành du lịch. Qua đó thấy được vị trí và vai trò to lớn của du lịch biển đối với sự phát triển du lịch cả nước. Việc đẩy mạnh mối liên kết liên vùng và hợp tác hướng ra biển, trước hết các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện và cơ hội tổ chức cho người dân trên địa bàn đi du lịch và nghỉ dưỡng tham quan vùng ven biển; xa hơn nữa là địa bàn trung chuyển để các nước bạn Lào, Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan – nơi cách xa biển có điều kiện tổ chức cho người dân và khách du lịch đến với vùng biển Nam Trung Bộ nước ta.

Việc đẩy mạnh mối liên kết hợp tác liên vùng, hướng ra biển của du lịch Vùng Tây Nguyên một mặt sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Tây Nguyên, mặt khác góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động du lịch, đảm bảo cho việc phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên cũng không thể tách rời sự phát triển du lịch của các vùng khác, trước hết là vùng Đông Nam Bộ gắn với Địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, xa hơn là với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Bắc Trung Bộ…

Với các vùng du lịch trên, sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch trước hết nhằm đẩy mạnh các hoạt động du lịch của các “Tam giác động lực” về du lịch bao gồm: Nha Trang – Ninh Chữ – Đà Lạt; Đà Lạt – TP. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu; Đà Lạt – Nha Trang – Đà Nẵng (Huế); Đà Lạt – TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ… thông qua việc hoàn thiện các chương trình du lịch chung, đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch.

Trong khuôn khổ liên kết, hợp tác du lịch giữa Vùng Tây Nguyên với các vùng phụ cận cần quan tâm đến “Con đường di sản Miền Trung”. Đây là tuyến du lịch hết sức đặc sắc, được nối hầu hết các di sản thế giới của Việt Nam trên một tuyến du lịch thống nhất. Đặc biệt hơn nữa, Tây Nguyên có di sản thế giới “Cồng Chiêng Tây Nguyên”, do vậy trong mối liên kết và hợp tác này, “Con đường di sản Miền Trung” sẽ được kết nối với “Cồng Chiêng Tây Nguyên”, “Con đường Xanh Tây Nguyên” để tạo thành một tuyến du lịch văn hóa đặc sắc nhất Việt Nam, có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài ra, trong việc liên kết, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu của Tây Nguyên, và kết hợp với các sản phẩm du lịch của các vùng khác tạo thành những chương trình du lịch kết hợp rất hấp dẫn như sau:

– Đối với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có thể khai thác kết hợp các sản phẩm du lịch sau:

. Du lịch tắm và nghỉ dưỡng biển Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né… . Tham quan vịnh Nha Trang, vịnh Văn Phong – Đại Lãnh với hệ thống các đảo ven bờ; tham quan các di sản văn hóa (các tháp Chàm…). . Du lịch chữa bệnh phục hồi sức khỏe bằng suối khoáng nóng Tháp Bà, Trường Xuân, Đảnh Thạnh, Ba Ngòi… . Du lịch tàu biển; du lịch lặn biển; du lịch thuyền buồm, lướt sóng… . Du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo…

– Đối với vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có thể khai thác kết hợp các sản phẩm du lịch sau:

. Du lịch tắm và nghỉ dưỡng biển Long Hải, Côn Đảo, Phú Quốc… . Du lịch tham quan, nghiên cứu gắn với giáo dục lòng yêu n¬ước, truyền thống cách mạng của dân tộc (Địa đạo Củ Chi – Bến Dược, Nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương…). . Du lịch chữa bệnh phục hồi sức khỏe bằng bùn khoáng, nước suối khoáng nóng Bình Châu – Phước Bửu… . Du lịch sinh thái biển (xem rùa đẻ trứng ở Côn Đảo…). . Du lịch sinh thái miệt vườn cây trái, sông nước… . Du lịch nghiên cứu các hệ sinh thái rừng ngập nước (Đồng Tháp Mười, U Minh, Cà Mau…). . Du lịch nghiên cứu, khám phá các loài chim (Tràm Chim, Cà Mau…). . Du lịch tham quan lễ hội (Núi Bà Đen, Núi Sam), tham quan chợ nổi (Cái Bè, Phụng Hiệp…). . Du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo…

TP.Hồ Chí Minh được xác định là cửa ngõ quan trọng của Phân đoạn 6 trên lãnh thổ Việt Nam trong tổng thể hoạt động du lịch GMS kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Với vị trí này, du lịch TP.Hồ Chí Minh nói riêng, du lịch Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung là một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động du lịch của chương trình GMS.

Căn cứ vào định hướng phát triển du lịch của Tiểu vùng GMS, một số hoạt động liên kết, hợp tác của Vùng Tây Nguyên cần quan tâm trước mắt bao gồm:

– Phát triển các tuyến du lịch đường bộ từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) theo tuyến đường xuyên Á qua TP. Hồ Chí Minh rồi đến Đà Lạt (theo quốc lộ 20) và các tỉnh khác; hoặc trực tiếp từ Lào đến Tây Nguyên qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và từ Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh – Gia Lai (khi cửa khẩu này được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế).

– Phát triển các tuyến du lịch đường không Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku – TP.Hồ Chí Minh – Phnôm Pênh – Viên Chăn – Băng Cốc; hoặc Đà Lạt (Buôn Ma Thuột, Pleiku) – Hà Nội – Trung Quốc.

– Hợp tác trong công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước và con người Tây Nguyên, cũng như các cơ hội đầu tư… đến người dân các nước trong khu vực.

TS. Lê Văn Minh – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Phát Triển Vùng Du Lịch Văn Hóa Sinh Thái Khu Vực Tây Nguyên

Quang cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá khu vực Tây Nguyên có nhiều tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên đến truyền thống văn hóa bản địa để phát triển du lịch văn hóa, văn hóa sinh thái. Tây Nguyên có nguồn tài nguyên to lớn về đất đai, rừng núi, có khí hậu đặc thù ôn đới và hệ thống động, thực vật phong phú đa dạng với các Vườn Quốc gia như Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Chư Mom Ray (Kon Tum), Bidoup núi bà (Lâm Đồng). Đặc biệt, đây còn là vùng đất sản sinh và lưu giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo như các lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… của các dân tộc như Êđê, M’Nông, Ba Na, Xê Đăng, Gia jai, K’ho… Tất cả tạo nên những tiềm năng to lớn cho công tác xây dựng, phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên.

Đứng trước tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái, tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa khai thác hiệu quả loại hình du lịch này và tồn tại những hạn chế nhất định như: Thiếu sự liên kết trong phát triển du lịch giữa các tỉnh; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Các tỉnh Tây Nguyên chưa kết hợp được chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Trong quá trình khai thác du lịch, công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và các sản phẩm của rừng chưa được chú trọng dẫn đến nhiều hệ lụy… Qua đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên vừa tạo giá trị kinh tế vừa bảo tồn truyền thống văn hóa và cảnh quan vùng Tây Nguyên.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Tây Nguyên là nơi sản sinh hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, không nơi nào có được. Do đó, để phát huy tiềm năng của du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên, các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp như: Bảo tồn di sản văn hóa và huy động người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, đặc biệt đối với bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số của khu vực Tây Nguyên từ phong tục tập quán đến đời sống văn hóa, ẩm thực, cồng chiêng Tây Nguyên; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của du lịch văn hóa sinh thái đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó, các địa phương có sự đầu tư tương xứng để phát triển loại hình du lịch này; mở rộng liên kết vùng và bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng là những nhiệm vụ cần thiết nhằm tạo ra mạng lưới, hành trình du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng đối với du khách, đặc biệt là sự liên kết du lịch giữa các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên…

Theo Tiến sĩ Lê Văn Nghĩa, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, để phát huy được tiềm năng trong phát triển du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên cần có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù từng tỉnh trong khu vực, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nguồn đầu tư phát triển du lịch văn hóa sinh thái. Các cơ quan chức năng làm công tác du lịch, văn hóa cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với vùng miền của từng địa phương, xúc tiến phát triển du lịch sinh thái văn hóa. Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng như lễ hội văn hóa truyền thống, trải nghiệm đời sống văn hóa dân tộc tại chỗ… tạo sức hút đối với du khách…

Tiến sĩ Vũ Thịnh Trường, Trường Đại học Văn Hiến thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các giải pháp phát triển du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên cần chú trọng tính bền vững, nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững đối với loại hình du lịch này. Bên cạnh đó, không để việc phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái theo hướng tự phát, dẫn đến nguy cơ phá hủy những giá trị văn hóa truyền thống, các địa phương cần quy hoạch khoa học, quy củ để vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ.

Các thành phần dân tộc vùng Tây Nguyên đa số sống tập trung thành buôn, làng bằng những ranh giới tự nhiên nhất định, vì vậy có thể phát triển mô hình Làng du lịch nhằm huy động cộng đồng cùng chung tay tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đem lại sinh kế lâu dài cho người dân địa phương…