Khu Du Lịch Suối Tiên
Mục Lục
Lịch Sử Hình Thành
Ngược dòng thời gian trở về với một địa danh huyền thoại, một vùng đất xưa kia hoang hóa có con suối thiên nhiên chảy qua nay đã vươn mình trở thành miền đất Tứ Linh.
Trong ký ức của những người đầu tiên đến khai khẩn đất lập lâm trại, vẫn còn lưu giữ hình ảnh một vùng đất hoang sơ giữa bộn bề đầm lầy, cây cỏ. Ông Đinh Văn Vui – Tổng Giám Đốc công ty nhớ lại: “Tôi còn nhớ mãi ngày ấy, vào năm 1987, khi tôi đến đây khai khẩn đất lập lâm trại, Suối Tiên vẫn còn là đồng ruộng, đầm lầy, rừng rậm và đã từng là căn cứ địa cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ… Suối Tiên, cái tên nghe sao lạ quá! Tôi thử tìm hiểu mới biết Suối Tiên bắt nguồn nối tiếp suối Lồ Ồ (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương ngày nay) chảy ngầm trong lòng đất hàng chục km qua xa lộ Hà Nội và trồi lên mặt đất này, để rồi tiếp tục xuôi dòng đổ ra sông Đồng Nai. Lúc đó, Suối Tiên còn cả một khu rừng đặc hữu, một khung cảnh thiên nhiên hiếm hoi còn sót lại. Tại đây còn có một miếu thờ bảy cô gái ở ven suối có cùng tuổi rồng, tình cờ đến đây tắm và qui tiên ở đoạn suối sâu. Dân trong vùng kể lại : “Bảy cô gái rất linh thiêng nên bà con thường xuyên nhang khói, phụng thờ”. Phải chăng bảy cô gái đã qui tiên trở nên linh thiêng thành tiên độ cho đời nên suối này có tên gọi là Suối Tiên và được lưu truyền đến ngày nay?. Từ khung cảnh thiên nhiên và truyền thuyết ấy, ý tưởng xây dựng nơi đây thành một khu du lịch tầm cỡ quốc gia nung nấu tôi suốt ngày đêm…” “Lâm trại Suối Tiên” đã trở thành tiền đề cho một khu du lịch tầm cỡ trong tương lai. Quá trình sản xuất của lâm trại là quá trình tích lũy vốn liếng cũng như điều tra, nghiên cứu thăm dò để xây dựng khu du lịch.
Diện tích ban đầu của lâm trại chỉ có 2 ha đất hoang hóa, chỉ là một trại nuôi trăn nhỏ. Các năm tiếp theo, lâm trại tổ chức chăn nuôi theo lối công nghiệp xuất khẩu, đồng thời nuôi cả các loài thú quý hiếm và trồng các loại cây ăn trái. Từ năm 1989 đến năm 1991, sản xuất gỗ xẻ xuất khẩu và sau đó sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp. Sản phẩm của lâm trại Suối Tiên được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm. Đặc biệt, lâm trại Suối Tiên còn được tổ chức CITES thế giới chấp thuận và bảo vệ quyền chăn nuôi cũng như xuất khẩu các loại động vật bò sát. Có lúc trại trăn ở đây lên đến 10.000 con, trong đó có những con trăn vàng đặc biệt quí hiếm nên có người gọi lâm trại Suối Tiên là trại “Trăn Vàng Suối Tiên”. Cái tên STF (Suối Tiên Farm) cho đến nay vẫn còn được lưu giữ trên logo của công ty như một kỷ niệm, một dấu ấn không thể quên về bước đầu khởi nghiệp xây dựng Suối Tiên.
Năm 1992, cùng với sự phát triển kinh tế cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, việc xây dựng một khu du lịch tầm cỡ để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trở thành một nhu cầu thiết yếu, phù hợp với chủ trương của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, dự án xây dựng khu Du Lịch Văn Hóa Suối Tiên đã trở thành hiện thực, các hạng mục công trình lần lượt được xây dựng.
Tháng 02 năm 1993, sáng lập công ty TNHH Lâm Sản Mỹ Nghệ Suối Tiên. Ông Đinh Văn Vui được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám Đốc.
Ngày 02 tháng 09 năm 1995, nhân kỷ niệm lễ Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, Du Lịch Văn Hóa Suối Tiên chính thức mở cửa đón du khách.
Chặng Đường Phát Triển
Quá trình hình thành và phát triển của DLVH Suối Tiên cho đến nay, bên cạnh sự đổi mới liên tục qua việc khánh thành hàng loạt những công trình, mô hình tham quan, vui chơi, giải trí, còn có những bước ngoặc đáng ghi nhớ:
-Năm 1993: khởi công xây dựng. – Ngày 02 tháng 09 năm 1995: mở cửa đón khách tại cổng Tây Thiên Môn (cổng số1 ). Lâm trại Suối Tiên chính thức trở thành DLVH Suối Tiên. – Năm 1997: mở cổng Đinh Tiên Môn (cổng số 2) và khánh thành quảng trường Đinh Bộ Lĩnh, khánh thành tượng đài Vua Hùng làm cột mốc đánh dấu cho định hướng phát triển du lịch văn hóa, du lịch về nguồn. Đến năm 2003, tượng đài Vua Hùng được nâng cấp thành Đền Thờ Vua Hùng. Từ đây, lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được hình thành và định kỳ tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, trở thành lễ hội về nguồn tiêu biểu, đặc sắc của Suối Tiên. – Năm 1997: khánh thành Phụng Hoàng Cung và Tàu Lượn Siêu Tốc. – Năm 2000: khánh thành cổng Thiên Tiên Môn (cổng số 3), quảng trường Thiên Đăng Bảo Tháp và hàng loạt các công trình, mô hình vui chơi giải trí khác. -Năm 2002: khánh thành Biển Tiên Đồng một kỳ quan nhân tạo – một đại dương trong lòng thành phố. Công trình đặc biệt có một không hai này đã đưa Suối Tiên tiến đến tầm cỡ của công nghệ giải trí hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á . – Năm 2004: Lễ Hội Trái Cây truyền thống Suối Tiên qua 7 năm tổ chức đã được nâng cấp và lấy tên gọi chính thức là “Lễ Hội Trái Cây Nam Bộ”, trở thành sự kiện Văn hóa – Du lịch tiêu biểu của TP. HCM. Sự kiện này giúp cho Suối Tiên được đông đảo du khách biết đến như một miền đất của những lễ hội văn hóa, lễ hội về nguồn độc đáo, đặc sắc, kết hợp hài hòa cả hai yếu tố truyền thống và hiện đại. – Năm 2006: Khánh thành công trình văn hóa tâm linh Long Hoa Thiên Bảo. – Năm 2007: Khánh thành Đại Cung Kim Lân Sơn Xuất Thế. – Năm 2008: khánh thành Bí Mật Càn Khôn Vũ Trụ CineMax 4D, Siêu Thị Suối Tiên, Chuỗi Nhà Hàng Long Phụng, Trung Tâm Thư Giãn Foot massage. – Năm 2009: Khánh thành Đại Cung Phụng Hoàng Tiên, Đại Cung Lạc Cảnh Tiên Ngư, Tháp Du Hành Khám Phá Vũ Trụ. -Với sự ra đời của hàng loạt công trình, DLVH Suối Tiên đã hoàn thiện quy trình khép kín “Du lịch – Giải trí – Thư giãn – Mua sắm – Ẩm thực”, góp phần nâng Suối Tiên lên tầm phát triển mới, đa dạng và hiện đại.
Các Kỳ Quan Nhân Tạo:
Long Hoa Thiên Bảo
Long Hoa Thiên Bảo là một công trình văn hoá tâm linh được xây dựng trên nền tảng các giá trị triết lý nhân bản của Phật Giáo hướng con người vươn tới Chân – Thiện – Mỹ. Long Hoa Thiên Bảo là công trình đầu tiên và độc đáo nhất vùng Đông Nam Á, tọa lạc sau quần thể Đại Bồ Đề Quang Minh Cảnh. “Long Hoa” là muốn nhắc đến hình tượng “Long Hoa Hội” (Đại Hội Long Hoa) : Dưới cội cây Long Hoa, Đức Phật Di Lặc đã đắc đạo đồng thời tổ chức một đại hội thi tuyển để chọn ra những người hiền đức sau giai đoạn tiến hóa dài của nhân loại, để từ đó nhân loại sẽ chuyển qua một giai đoạn tiến hóa mới, một thế giới của tương lai hiền lương, đạo đức, công bình và bác ái. “Thiên Bảo” có nghĩa là báu vật của trời, nơi cung trời đâu lợi , nơi 10 phương chư Phật hội tụ vô cùng linh thiêng và cao quý. Long Hoa Thiên Bảo còn có khu biệt điện thờ Năm Bà Thánh Mẫu linh thiêng để mỗi du khách khi đến tham quan Suối Tiên có dịp chiêm bái và cầu xin những điều tốt lành cho gia đình mình. Công trình có diện tích hơn 4.000m2 được khởi công xây dựng từ tháng 01 năm 2004 và hoàn thành vào tháng 02 năm 2006 với tổng vốn đầu tư lên đến 50 tỷ đồng. Cổng Thiên Tiên Môn
– Gồm 5 tầng 9 cửa và 2 vọng lầu cao 36m với 25 bậc thang. Diện tích 2.400m2 , được xây dựng trong thời gian 6 tháng với kinh phí 16 tỷ đồng. – Mặt trước và mặt sau có 4 bức đại hoành phi mang chất triết học phương Đông và văn hóa người Việt cổ: Tứ Linh Kim Bảo, Nhị Lân Kim Bảo,Kim Xa Cửu Long Hội, Vạn Hỷ Lâm Môn. Mọi hình ảnh tại Thiên Tiên Môn đều gợi lên một lời chúc phước lành, an lạc, hạnh phúc và thịnh vượng cho mọi du khách.
Qua 25 bậc cấp của cổng Thiên Tiên Môn là đến Quảng trường Thiên Tiên Môn với ngọn đèn trời Thiên Đăng Bảo Tháp cao 18m, với nhiều họa tiết, điêu khắc cổ được thếp đồng rực rỡ luôn xoay chuyển tỏa sáng khắp mười phương tám hướng.
Phía Đông quảng trường là đồi Long Hoa Sơn Nhật Nguyệt với núi đồi trùng điệp, khe suối róc rách, đồi thông xanh ngát, chính giữa đồi là tượng Phật Di Lặc cùng các tiểu đồng hoan hỉ chào đón du khách khi lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh này. Phía Tây là dãy Ngũ Phúc Sơn uy nghi chung quanh là 18 đài hoa sen ngũ sắc với bình nước Cam Lồ tưới phúc xuống trần gian.
Cung Vàng Điện Ngọc Cung Vàng Điện Ngọc mô phỏng cung điện triều Nguyễn tại cố đô Huế, mang đặc trưng kiến trúc cổ Việt Nam và đặc biệt là mang dấu ấn của triều vua Minh Mạng. Lối thiết kế theo kiểu Nhất Thi – Nhất Họa (Các câu thơ được bố trí xen với tranh vẽ) tạo nên một khung cảnh vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Đến đây, du khách như ngược dòng thời gian trở về lịch sử vàng son, được hoá thân vào những nhân vật được truyền tụng qua các câu truyện cổ tích như : Vua, Hoàng Hậu, Hoàng Tử, Công Chúa… và chụp những bức ảnh làm kỷ niệm.